Làm việc ở nhà hơn 2 tháng trời từ lúc nước California đóng cửa mùa Covid-19 đôi lúc khiến đôi chân quen rong ruổi bồn chồn. Blog tui chủ yếu là về “du hí đó đây”, mà phải ở nhà hết vài tháng và có thể đến cuối năm, thì chắc tui phải dẹp tiệm sớm! Nhưng có những chuyện xảy ra trong suốt thời gian qua, và hôm nay lúc 4 giờ sáng tui chiêm nghiệm ra, mọi thứ không quá tệ. Sau đây tui xin chia sẻ câu chuyện xin việc ở Amazon của nhỏ em tui, với hi vọng bạn đọc ai đang căng thẳng, bất an hay trải qua những nốt trầm lúc mùa dịch, sẽ cảm thấy đỡ hơn.
Xuất phát lận đận
Nhỏ em tui tên là Tí. Tên như con trai vì nó sinh năm con chuột, sau tui 6 năm. Do đó, lúc nó vào Lê Hồng Phong lớp chuyên Anh, tui đã qua Mỹ được vài năm rồi. Ngày nó tới Mỹ dự lễ tốt nghiệp của tui ở UC Berkeley, nó mới học xong lớp 11, chưa có tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo luật, ở Mỹ chỉ có bang Washington cho du học sinh học Community College dưới 18 tuổi mà chưa có bằng phổ thông, đến lúc học xong thì cấp luôn bằng phổ thông (High school competition program). Thế nên Tí được cho lên Seattle học ở trường community college một mùa (và câu chuyện nó bị “mất tích ngày đầu tiên ở Seattle“).
Giáng Sinh năm 2013, Tí xuống quận Cam thăm tui. Sau khi được tui và Duy “bồi dưỡng” sushi đều đặn và đi chơi khắp nơi, nó quyết định ở lại nam California, dù chưa đủ 18 tuổi. Lúc này tui phải chạy đôn chạy đáo kiếm trường cho nó vì theo luật California, nó phải có bằng tốt nghiệp hoặc GED, bằng phổ thông chỉ trên 18 tuổi mới được thi. Lúc này nó chỉ còn thiếu 2 tháng nữa là tròn 18 tuổi, nên tui tới trường Santa Ana Community College gần nhà xin cho nó vào. Tui gặp người đứng đầu International Student Program và năn nỉ họ cho nó học, với cam kết là sẽ có bằng GED trước khi mùa Xuân kết thúc. Sau vài lần email và nói chuyện, tui xin được cho Tí học trường Santa Ana Community College và chuyển giấy tờ từ Seattle xuống quận Cam.
Đó là khó khăn ban đầu, và tui xin tua nhanh từ năm 2014 đến năm nay 2020. Tí sau đó chuyển qua trường Orange Coast College và lấy được học bổng toàn phần Jack Kent Cooke cho chuyển tiếp bất kì trường đại học 4 năm ở Mỹ. Sau khi được Cal Poly San Luis Obispo, UCLA và UC Irvine nhận, Tí nghe lời tui học UC Irvine cho rẻ và gần nhà, dù những trường kia nổi tiếng về Computer Science hơn rất nhiều, nhưng tui mừng cho nó vì không phải stressed về những lớp CS khô khan ở UCLA và phải chạy hằng ngày 2 tiếng lên Los Angeles để học; và UC Irvine có rất nhiều lớp CS đa dạng với nhiều dự án thực tiễn cho sinh viên, cùng với môi trường an toàn, sạch sẽ và đẹp đẽ của thành phố Irvine.
Thực tập ở công ty bán vé trực tuyến
Hè năm 2019, tui khuyên nó đi kiếm internship (công việc thực tập) để lấy kinh nghiệm bỏ resume. Trong ngành Software Engineer, ra trường mà không có ít nhất một kinh nghiệm liên quan thì sẽ rất khó kiếm việc tốt. Phỏng vấn trầy trật với vài công ty, cuối cùng nó cũng kiếm được vài công ty ở gần nhà, và quyết định làm ở một công ty phần mềm chuyên bán vé cho những events như ca nhạc hay thể thao của những trường đại học. Công ty này có vẻ khá ăn nên làm ra, và hay mời thực tập viên ăn trưa. Tí kể mọi người khá thân thiện với nó, nhưng công việc rất nhiều và quản lý muốn nó làm việc như người làm full-time, dù trả tiền ít, với hứa hẹn sẽ cho mấy đứa interns quay lại làm việc trong mùa học nếu làm tốt.
Tin vào lời hứa hẹn của giám đốc và quản lý, Tí làm ngày làm đêm. Suốt mùa hè, mỗi tối hay cuối tuần tui đều thấy nó bứt tóc bứt tai chăm chăm nhìn máy tính. Nó than có những thứ nó bỏ công làm cho công ty, nhưng cuối cùng bị quản lý nói không cần thiết. Tui góp ý với nó rằng phải hỏi cho rõ những yêu cầu của dự án là gì, ghi chú rõ ràng những bước cần làm với người quản lý và luôn hỏi ý kiến về những gì mình làm ra sao. Bản thân mình là intern và không hiểu toàn diện về sản phẩm, nên hỏi càng nhiều càng tốt, và đừng sợ bị la. Thà mình mất thời gian lúc đầu mà sản phẩm toàn diện đúng yêu cầu, còn hơn mất thời gian làm ra sản phẩm không đúng yêu cầu hoặc không cần thiết. Điều đó còn gây thiệt hại về vật chất và con người hơn cho công ty.
Sau mùa hè lận đận, Tí mòn mỏi đợi tin từ công ty này. Nó ráng giữ liên lạc với tech lead (trưởng phòng) và manager (quản lý) suốt cả tháng trời. Mọi người đều nói nó làm tốt và có hi vọng được giữ lại làm tiếp. Nhưng đời đâu như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ (bài hát “Đời không như là mơ”). Một buổi tối, nó buồn hiu báo với tui là người ta nhận lại gần hết đám interns, trừ nó ra. Nó buồn vì nó làm rất nhiều, những đứa interns còn lại đa phần chỉ đi ăn với sếp. Người ta nói team nó thiếu tiền không đủ tuyển thêm nó, nhưng lại ngấm ngầm đi mướn một đứa khác thay cho vị trí của chính nó! À điều này tui cũng từng thấy và trải qua ở Internship của tui, khi mấy đứa interns khác tối nào cũng nhậu nhẹt party với nhau, và được mời lại làm, còn những đứa cù lần nai lưng ra làm như tui thì không được mời lại (tụi tui đứa làm Google, đứa làm Microsoft nên không đến nỗi tệ).
Tui cũng buồn cho nó, nhưng tui khuyên nó bài học là làm tốt là một chuyện, nhưng có ai biết đến mình làm gì không là chuyện khác. Những gì mình làm được, tốt ra sao, phải ghi chú lại và công bố với mọi người, kể cả lãnh đạo, để họ hiểu những khó khăn, thử thách mình phải trải qua để đạt được kết quả như vậy, và số liệu, dẫn chứng tại sao kết quả đó tốt. Ví dụ như bạn bỏ 4 tháng trời nghiên cứu để làm game chạy nhanh hơn, mượt hơn, nhưng chỉ với sự thay đổi của 2 dòng code. Như vậy ban lãnh đạo sẽ hỏi tại sao sửa có 2 dòng code mà mất tới 4 tháng? Mà nhanh hơn là nhanh bao nhiêu? Có tiết kiệm được công ty chút nào không? Có giúp tăng cường số lượng người sử dụng lên bao nhiêu không? Những ghi chú, tài liệu nghiên cứu sẽ là bằng chứng giúp bạn chứng minh quá trình đó. Tui từng làm giảm thời gian mở ứng dụng điện thoại từ 20s xuống còn 200ms, khoảng 95%, giúp người sử dụng vui hơn và sản phẩm tốt hơn chỉ bằng cách delete 1 dòng code. Nhưng để được tới đó, tui mất 4 tháng mày mò, đo đạt, và thuyết trình với lãnh đạo. Giám đốc tui rất ngạc nhiên và tự hào về thành tích đó và đem đi khoe với những team khác. Đó là một bài học mà tui học được ở Google khiến tui nổi tiếng hơn giữa mấy team.
Phỏng vấn full-time với Amazon
Quay lại nhỏ em tui, buồn được vài bữa rồi thôi, nó bắt đầu xin việc full-time vì sắp tốt nghiệp. Hi vọng được quay lại vào công ty gần nhà trả tiền cao làm tan thành mây khói nên nó rải resume ở nhiều công ty tech khác nhau. Đương nhiên vài công ty lúc đầu cũng từ chối sau vài vòng phỏng vấn. Đến lúc tui và nó bắt đầu hết hi vọng thì nó được Amazon mời phỏng vấn. Amazon là công ty bán hàng online khổng lồ với tổng trị giá khoảng 1,19 Trilion đô la, nằm trong tứ đại công nghệ: Amazon, Facebook, Google và Microsoft.
Quá trình phỏng vấn ở Amazon khá khác với những công ty tech khác và phỏng vấn sinh viên mới ra trường cũng khác với người có kinh nghiệm lâu năm (theo như những đứa đồng nghiệp từ Amazon sang Google kể với tui). Sau màn phỏng vấn sơ sơ với recruiter (người săn đầu người), Tí được gửi email với lịch hẹn và đường link để làm bài thử thách online, tìm kiếm bug trong mấy dòng code. Sau đó nó được gửi thêm link trả lời câu hỏi về giao tiếp và hành xử (behavior). Những câu hỏi này muốn thử thách xem bạn ứng xử ra sao khi được giao dự án, và khi gặp khúc mắc thì bạn xử lý ra sao. Qua được vòng này, Amazon gửi tiếp coding challenge làm qua mạng, và mọi thứ đều bị theo dõi từ Amazon. Vòng cuối cùng, nó được phỏng vấn trực tiếp với kĩ sư từ Amazon qua mạng luôn. Một điều đáng lưu ý là Amazon rất tập trung vào behavioral questions, tức là hành xử phải nhanh gọn lẹ, và biết mình biết ta, và khách hàng là thượng đế!
Suốt mùa Giáng Sinh, Tí học ngày học đêm để chuẩn bị phỏng vấn. Đôi lúc 2-3 giờ sáng tui đi ra phòng khách thấy nó vẫn vùi đầu học. Bởi vì xuất phát từ chuyên Anh, nên nó bắt đầu biết code chỉ vài năm gần đây, khác xa với tui đã biết code từ cuối năm lớp 8. Sau mấy tuần học liên tục, nó khản cả cổ và lăn ra viêm phổi luôn.
Qua Giáng Sinh, rồi năm mới, chờ đợi mòn mỏi đến Tết, Tí mới đón nhận được tin vui từ Amazon được làm ở Seattle! Thế là nó phải quay lại nơi nó bắt đầu. Cả nhà tui rất vui và tự hào cho nó, từ một đứa học chuyên Anh đến làm Software Engineer cho Amazon. Và may mắn thay, đến lúc dịch bệnh Corona bùng phát, người người đặt hàng qua mạng trên Amazon, khiến công việc tràn ngập đến nỗi họ phải mướn thêm 100K người làm. Còn công ty nó thực tập mùa hè năm ngoái đang phải đối diện với thực tế khủng khiếp là không có một sự kiện nào có thể mở được trong mấy tháng nay và có thể đến cuối năm. Nhiều người từng làm với nó hiện nay phải kiếm việc khác hoặc đối mặt với thất nghiệp. Tính ra thì “Tái Ông thất mã“, trong cái rủi cũng có cái may, đừng vội buồn phiền 🙂
2 Comments
Huyen Nguyen
December 29, 2020 at 1:52 amChao chi, em tinh co di ngang qua blog cua chi. Em cam thay chi chia se nhieu dieu rat hay va chan that, cam on chi! Mot dieu hoi khong lien quan la hien em cung dang lam software engineer o Seattle, neu duoc lam quen voi ban Ti thi tot qua, co the lam ban be va giup do nhau trong cuoc song (chi co the lien lac em qua email). Chuc chi mot ngay vui!
alexdo
January 1, 2021 at 8:49 pmHi ban, cam on ban ghe tham blog minh 🙂
Ban co the PM minh o tren trang facebook https://www.facebook.com/localtravel.tips.vn va minh co the gioi thieu em minh nhe