Cuộc sống

Tình hình COVID-19 (Corona) ở quận Cam, California: thiếu giấy vệ sinh

Khi tin về COVID-19 (còn gọi là Corona virus) tràn ngập ra rả trên báo đài, đặc biệt khi tin người đầu tiên ở Mỹ qua đời vì căn bệnh cúm đang hoành hành, dân chúng Mỹ bắt đầu hoang mang. Sau đây là tình hình ở quận Cam, phía Nam California mà tui quan sát trong những ngày qua.

Khẩu trang

Nếu như ở châu Á mang khẩu trang ra ngoài đường là chuyện thường ngày như ở huyện, thì ở Mỹ họ nhìn những người mang khẩu trang giống như thấy ninja. Tuy nhiên, vào đầu tháng 2 khi tin về dịch bệnh lan truyền ở TQ, chúng tôi đi đón người thân ở sân bay Los Angeles đã thấy rất nhiều người châu Á mang khẩu trang bước ra sân bay. Lúc đó tụi tui đã bắt đầu khá lo lắng nhưng đa số người Mỹ đều vẫn tỉnh queo. Đối với họ TQ bị dịch là do ở dơ và bưng bít thông tin, chứ ở Mỹ thì có gì đâu mà phải lo. Do đó thị trường chứng khoáng cứ lên đều đều mặc dù thị trường châu Á lúc này đã lục đục trượt giá. Tui và ông bạn còn đùa rằng nên mua chứng khoáng công ty sản xuất khẩu trang, thế nào cũng lên giá.

Khẩu trang ở Home Depot (nguồn CNN)

Giữa tháng 2, khi biết tin đã có một số ca lây nhiễm xuất hiện ở quận Cam và vài nơi khác, chúng tôi bắt đầu chột dạ nên đi ra cửa hàng bán đồ xây dựng Home Depot mua khẩu trang N95 để sẵn. Lúc đó trên kệ đã trống trơn, nhưng chúng tôi phát hiện ra họ để ngay cửa rất nhiều hộp nên mua đủ cho gia đình mỗi người một cái, còn lại để người khác mua lúc cần.

Cuối tháng 2, số lượng ca lây nhiễm tăng nhanh, đặc biệt là ở Ý và Iran. Cách đây vài ngày, người ta phát hiện ra 2-3 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Bắc California và Seattle, và những người này chưa hề đi nước ngoài. Điều này khiến dân tình xôn xao. Trong những buổi nói chuyện với đồng nghiệp, tụi tui thường nhắc tới tình hình thiếu khẩu trang trầm trọng. Nhiều người đặt mua khẩu trang online nhưng đều bị hết hàng hoặc order bị cancelled vì chính phủ ưu tiên khẩu trang cho bác sĩ và nhân viên y tế trước.

Chuyện khan hàng trầm trọng đến nỗi một tổng y sĩ phải van xin mọi người đừng mua khẩu trang nữa (New York Times):

“Seriously people — STOP BUYING MASKS!” the surgeon general, Jerome M. Adams, said in a tweet on Saturday morning. “They are NOT effective in preventing general public from catching #Coronavirus, but if health care providers can’t get them to care for sick patients, it puts them and our communities at risk!”

Tạm dịch:

“Mọi người làm ơn đừng mua khẩu trang nữa”, bác sĩ Jerome Adams viết trên Twitter vào ngày thứ bảy. “Khẩu trang không hiệu quả trong việc ngăn chặn lây lan Corona virus trong cộng đồng, nhưng nếu nhân viên y tế không lấy được khẩu trang cho bệnh nhân, điều này có thể gây nguy hiểm cho họ và cộng đồng hơn”

https://www.nytimes.com/2020/02/29/health/coronavirus-n95-face-masks.html

Trong tuần cuối tháng 2, chứng khoáng Mỹ rớt hết 13% (Axios) chỉ trong 3 ngày, trừ chứng khoáng công ty 3M (MMM), công ty chuyên làm khẩu trang N95 (CNN) vì dân đầu tư bắt đầu nhận ra kinh tế thế giới có thể sụp đổ nếu như TQ không quay lại làm việc, và nhiều hãng hàng không và du lịch đang vội vàng dập lửa do nhiều người lo sợ không dám đi du lịch nữa. Bản thân tui cũng bỏ chuyến đi Canada vì sợ nếu có chuyện gì xảy ra, nước Mỹ có thể bất ngờ cấm bay vào giống như nhiều người TQ không được nhập cảnh nữa trừ khi là công dân Mỹ hoặc có thẻ xanh. Hiện nay chỉ có vài nước không được bay vào Mỹ là TQ, Ý, Nam Hàn và Iran do virus (National Public Radio). Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng.

“Ngày Tận Thế”

Báo đài ra rả cập nhật về số người bệnh và chết liên tục cuối cùng cũng làm nhiều người giựt mình. Những ngày gần đây, tụi tui đi kiếm khẩu trang mà không chỗ nào có. Dù chạy ra khỏi khu châu Á nhiều, tụi tui vẫn đứng kế bên vài người châu Á đứng tìm kiếm khẩu trang. Khi một anh châu Á hỏi người phụ tá khẩu trang ở đâu, thì chỉ nhận được câu trả lời “anh vui lòng quay lại sau”. Sau khi anh nì đi, tui nghe anh Mỹ nì quay qua người kế bên than phiền “mấy người Trung Quốc đang lo sợ nên đi mua khẩu trang dữ lắm. Họ mua thùng thùng không chừa ai cả”. Tui đứng kế bên hơi nhột nhưng thiệt ra tui cũng đâu gom hàng không chừa ai. Tui chỉ đi coi nếu có dư thì mua thêm mỗi đứa một cái. Tuy nhiên mấy đứa đồng nghiệp tui đã có gom góp mua được nguồn hàng từ Brazil dù hơi mắc hơn ($10/cái) nhưng vẫn rẻ hơn trên Amazon bán cao hơn gấp ba bốn lần.

Sau khi nghe tin đến giấy vệ sinh cũng đang hết hàng, và có nơi còn cướp giấy vệ sinh có vũ trang (BBC), tụi tui quyết định đi Costco, cửa hàng bán sỉ phải đóng tiền $60/năm mới được vào, để mua giấy vệ sinh vì ở nhà hết thiệt.

10 giờ sáng chủ nhật Costco vừa mở cửa, tụi tui lái xe vào bãi giữ xe đông nghẹt, chuyện chưa bao giờ thấy ở cửa hàng này. Tụi tui quan sát thấy vô số mấy người châu Á hăm hở lấy 3-4 thùng giấy vệ sinh (khoảng 30 cuộn/thùng) và nước uống mà toát mồ hôi hột! Ngoài giấy vệ sinh, nước đóng chai là món đắt hàng thứ hai. Xe đẩy hàng của người nào cũng đầy nước và giấy vệ sinh. Uống cho nhiều nước rồi đi cho nhiều! (đùa thôi)

Nước sanitizer (tẩy trùng) và đồ ăn khô cũng được bán chạy giống như bà con đang chuẩn bị cho ngày tận thế. Tụi tui thiệt ra cũng không quá cần giấy vệ sinh và nước đóng chai do ở nhà xài bidet và có sẵn hệ thống lọc nước nhưng thấy bà con hăm hở nên tụi tui cũng chạy vào xách 1 thùng cho giống người!

Tính tiền ở Costco

Đi mua sắm những ngày này còn đông hơn mua hàng Black Friday mùa Thanksgiving ở Mỹ. Hàng chờ tính tiền dài đến tận cuối cửa hàng khổng lồ, đông đến mức tụi tui không thể nhúc nhích lấy đồ được, mặc dù lúc này mới 30 phút sau khi cửa hàng mở.

Người đông nghẹt ở Costco lúc 10h sáng

Đó là khu Mỹ, còn khu Việt Nam cũng nhộn nhịp không kém. Tụi tui đi 2-3 siêu thị ở khu Little Saigon thấy bà con đi như trẩy hội, hơn cả mùa Tết! Những kệ đựng gạo sạch trơn chỉ còn mấy bao gạo nếp. Ai cũng ngơ ngác hỏi mua mấy bịch gạo lớn ở đâu, và nhiều bà than phiền những nơi khác đều hết gạo. Tụi tui cuối cùng cũng kiếm được 2 bịch gạo 25 lbs đem về trữ và mấy thùng mì gói vì ở xa khu VN.

Những kệ đựng gạo hết sạch chỉ còn mấy bao gạo nếp

Phân biệt chủng tộc lan nhanh hơn corona virus

Nhìn thấy nhiều người TQ chạy đi hốt lấy hốt để hàng, đôi lúc tui cũng thấy khó chịu lắm, vì tụi tui thường mua vừa đủ, để người khác còn có cái để xài. Nhưng đặt mình trong tình huống của họ, khi gia đình ở xa không thể mua được khẩu trang, giấy vệ sinh, thì mình cũng có thể hành xử như họ. Hơn nữa dân châu Á đa số đều trải qua thời kì khó khăn gian khổ, nên ai cũng bệnh lo xa, chứ không như đa số dân Mỹ thường chủ quan, đợi nước đến chân mới nhảy.

Tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều người phân biệt dân châu Á. Nhiều người dè bỉu, chửi bới người châu Á ở dơ mới bị bệnh. Có người Thái trên tàu ở Los Angeles mới hắt hơi xì mũi đã bị chụp mũ TQ và bị chỉ mặt chửi

“Every disease has ever came from China, homie. Everything comes from China because they’re f****** disgusting,” the man said. “They can be so smart and be like, ‘Oh yeah, I developed this, I developed that.’ But like yeah, you can’t even wipe your a**.”

Tạm dịch:

“Mỗi dịch bệnh đều từ Tàu. Mọi thứ đều từ Tàu vì bọn nó gớm ghiếc”, ông này nói. “Tụi nó lúc nào cũng tỏ ra ta đây khôn lắm ‘ồ tao làm cái này, tao xây cái kia’, nhưng tụi bây còn không biết chùi đ*t”

https://www.cnn.com/2020/02/20/us/coronavirus-racist-attacks-against-asian-americans/index.html

Nhiều người khác không nói thẳng, nhưng đều né mấy tiệm của người châu Á. Nhiều nhà hàng nổi tiếng Trung Quốc trước đây phải xếp hàng mới vào được thì giờ trống trơn, như nhà hàng Tàu nổi tiếng ở Pasadena tụi tui tới ăn chỉ đợi có vài phút là được cho vào ăn. Còn khu China Town ở nhiều thành phố cũng đìu hiu vắng teo như chùa bà đanh dù chưa có ca nào phát hiện ra ở đó (NPR). Không những nhà hàng TQ mà những nhà hàng châu Á khác cũng bị liên lụy, như nhà hàng của một người quen tui biết cũng vắng tanh vì bọn Mỹ sợ bị dính virus.

Tóm lại

Căn bệnh này sẽ còn lan truyền trong những ngày tới, và sẽ gây không ít tác hại cho kinh tế, chính trị và xã hội. Nếu như bạn còn trẻ khỏe, xin đừng chủ quan vì bạn có thể đem bệnh tới những người yếu hơn trong nhà. Khẩu trang sẽ không giúp gì nếu như bạn chưa bệnh. Đừng tin vào những tin bậy bạ không rõ nguồn gốc và chăm sóc bản thân cho cẩn thận: rửa tay thật sạch ít nhất 20s (theo báo New York Times, bạn có thể vừa rửa vừa hát bài Happy Birthday), tránh tiếp xúc với người bệnh, và tránh chạm vào mặt mũi nếu tay không sạch. Nếu bạn có bệnh hắt hơi xì mũi, nhớ đeo khẩu trang để tránh văng dịch vào người khác, và nếu không có khẩu trang thì nhớ lấy cùi chỏ che, đừng ho vào tay do bạn có thể bắt tay hoặc chây trét vào những đồ vật khác.

You Might Also Like...

No Comments

    Leave a Reply

    error: Content is protected !!