Du Lịch

Château du Clos Lucé: chặn đường cuối cùng của Leonardo da Vinci

Một chiều mưa mùa thu ở thành phố cổ Amboise của nước Pháp nên thơ, chúng tôi rời lâu đài Hoàng Gia Amboise đi bộ chừng nửa cây số hướng về Château du Clos Lucé, nơi nhà phát minh và hoạ sĩ vĩ đại Leonardo da Vinci cư ngụ 3 năm cuối đời, và chiêm ngưỡng khu vườn đầy chất thơ của ngài họa sĩ nổi tiếng này.

Vị trí địa lý

Thành phố Amboise nằm bên dòng sông Loire êm đềm, giữa thung lũng sông Loire với vô số lâu đài cổ của nước Pháp. Chỉ cần lái xe vài cây số là bạn sẽ thấy những bản chỉ đường vào những lâu đài này. Amboise là thị trấn khá nhỏ nhưng nổi tiếng với lâu đài Amboise (Château d’Amboise) của vua Francis I, toạ lạc sừng sững bên sông Loire, và chỉ cách  Château du Clos Lucé chừng nửa cây số. 

Trong cơn mưa lún phún, ba mẹ con chúng tôi bước vội trên con đường dốc và những vỉa hè đá nhỏ xíu không đủ một người đi, và phải nhìn trước nhìn sau sợ xe ủi. Ở những thành phố cổ ở Pháp, những con đường thường rất hẹp và chỉ đủ đường cho 1-2 làn xe, mà người dân thường cũng đậu xe giữa đường. Chưa hết, vỉa hè ở đây cũng không thẳng hàng mà lòi ra thụt vào tùy hỉ khiến Duy lái xe đôi lúc leo lề vì không thấy cái vỉa hè. Giờ thì tụi tui mới hiểu Việt Nam học hỏi từ ai!

Bên trong Clos Luce
Bên trong Clos Luce

Sau khi leo dốc chừng 10 phút, chúng tôi tới trước cổng căn biệt thự bự thiệt Château du Clos Lucé do vua Francis xây cho Leonardo da Vinci vào năm 1516. Với vốn tiếng Pháp tự học một năm trên Duolingo, tui dùng động từ “to qươ” kèm tiếng Anh với mấy người Pháp. May mắn là cô bán vé cũng bặp bẹ tiếng Anh nên quá trình mua vé cũng không quá khó khăn. Cũng như những lâu đài khác, họ đều hỏi chúng tôi có muốn lấy thông tin bằng tiếng Tàu không. Hơi khó chịu nhưng cũng không trách được vì người Tàu đi du lịch nhiều hơn và mình nhìn cũng không khác gì họ, nên tụi tui chỉ cười nói tụi tui từ Mỹ tới, nên chỉ lấy bản tiếng Anh thôi. 

Château du Clos Lucé

Phòng ngủ

Vừa bước vào biệt thự này, bạn sẽ được dịp thăm phòng ngủ của Leonardo da Vinci. Phòng ngủ của ngài khá rộng và thoáng mát với lò sưởi bằng gạch với huy hiệu Pháp và một cái bàn nằm giữa phòng, đối diện một giừờng đôi với màn gối màu đỏ quý phái. Chiếc giường bằng gỗ được trang trí cầu kì với những quái vật Chimera trong huyền thoại, và những thủy quái, này cũng là nơi Leonardo da Vinci trút hơi thở cuối cùng.

Bên trong Clos Luce

Lúc sinh thành, Leonardo da Vinci rất yêu thích góc nhìn từ cửa sổ phòng ngủ này, nơi ông sinh sống suốt 3 năm cuối đời. Vào ngày 23 tháng 4 năm 1519, Leonardo viết lá di chúc, để lại những tư liệu, phác hoạ cho người ông đồ đệ ông yêu thích nhất Francesco Melzi. Ngày 2 tháng 5 năm 1519, ở tuổi 67, Leonardo từ trần, và được phong “Người phát minh của những vật phi thường” (The Creator of so many wonderous things). Giang hồ đồn rằng vua Francois I là người ngồi bên Leonardo lúc ông trút hơi thở cuối cùng, và tin đồn nì dẫn tới nhiều bức hoạ về thời điểm này, dù nhiều bằng chứng cho thấy vua Francois I không có ở Amboise lúc đó.

Phòng ngủ

Gần phòng ngủ của Leonardo là phòng ngủ của Marguerite de Navarre, chị của vua Francois I. Bà nì và vua Francois được mẹ là Louise de Savois đem tới Le Clos Lucé nuôi nấng. Marguerite nổi tiếng là người thông minh, duyên dáng và hiểu biết rộng. Bà viết nhiều những truyện ngắn Heptaméron bao gồm những truyện về thiên nhiên ở Amboise và chịu ảnh hưởng bởi “The Decameron” của Boccaccio

Bên trong Clos Luce

Phòng ngủ của bà khá rộng rãi và thoáng đãng, với bức tranh thêu về cảnh săn bắn từ thế kỉ 16 của người Flanders, Bỉ, treo trang trọng trên bức tường đá. Ngoài bức tranh thêu, du khách có thể chiêm ngưỡng tranh của bà Marguerite lúc còn thơ ấu do Francois Clouet vẽ và những chén dĩa quý giá từ những năm 1500. 

Phòng làm việc

Vua Francois I rất xem trọng Leonardo và ông tôn Leonardo là ” Đệ nhất danh hoạ, kiến trúc sư và kĩ sư” của vua. Ông còn cho Leonardo nơi ở gần cung điện Amboise, và 700 đồng vàng mỗi năm, kèm theo tiền công, chỉ để được lắng nghe Leonardo nói chuyện mỗi ngày. Vào mùa thu năm 1516, Leonardo da Vinci nhận lời mời của vua Francis ở độ tuổi 64, ông vượt qua dãy núi Alps với vài đồ đệ, trong đó có Francesco Melzi và Battista de Villanis và vài người hầu thân tín từ Milan, Ý. Trong chuyến đi này, Leonardo mang theo những bức vẽ ông yêu thích nhất từ Rome, trong đó có bức họa của “một phụ nữ từ thành phố Florence được Giuliano de’ Medici đặt”. Từ năm 1503 đến 1514, Mona Lisa thể hiện phong cách mới của Leonardo gọi là “sfumato” (shaded transition, dịch nôm na là chuyển tiếp ánh sáng, đổ bóng).

500 năm sau khi Leonardo da Vinci được vua Francois mời tới Pháp sinh sống, phòng làm việc của ngài được tu sửa lại nguyên trạng ban đầu. Bước vào phòng căn phòng này, bạn sẽ cảm giác quay ngược thời gian, và cảm nhận được Leonardo cùng học trò làm việc không ngừng nghỉ cho bức hoạ nổi tiếng: The Mona Lisa, “The Virgin và Child with Saint Anne” (Mẹ Đồng Trinh và Chúa với thánh Anne) và “St John the Baptist” (Thánh John). 

Phòng làm việc của Leonardo
Phòng làm việc của Leonardo

Studio của Leonardo không những chứa những bức hoạ nổi tiếng, những chất liệu màu vẽ, mà còn chứa không thiếu những ghi chú chi tiết về những phát minh kì lạ và những dụng cụ đo lường của kĩ sư. Một điều kì lạ tui mới biết khi viếng thăm nơi này là Leonardo thuận tay trái, nên những ghi chú của ông đều viết ngược từ phải sang trái trong tiếng Latin. Lúc đầu tui chỉ nghĩ người ta lật ngược chữ viết của Leonardo cho vui, ai dè đâu là chữ thiệt do ổng viết. Đúng là quái nhân!

Phòng làm việc của Leonardo
Phòng làm việc của Leonardo
Phòng làm việc của Leonardo
Phòng làm việc của Leonardo

Những phát minh và quan sát của Leonardo được dựng lại và trưng bày trong tầng hầm và rải rác ngoài vườn. Có những phát minh của ngài được ứng dụng vào những công cụ hiện đại, ví dụ như máy bơm nước, cầu cống và ngay cả hàng không học. Một điều tui thấy thú vị là quan sát của Leonardo về sóng khi ông ngồi bên hồ và nhận ra giao thoa, điều mà mãi tới thế kỉ 19 mới được Thomas Young và Fresnel ghi nhận.

Mona Lisa
Mona Lisa
Phát minh của Leonardo
Phát minh của Leonardo: máy dẫn nước
Phát minh của Leonardo
Phát minh của Leonardo
Phát minh của Leonardo
Phát minh của Leonardo
Bàn ăn
Bàn ăn
Bàn ăn

Vườn

Căn nhà của Leonardo đã ấn tượng, nhưng khu vườn của ngài còn ấn tượng hơn. Dù trời mưa lất phất, chúng tôi vẫn dành khoảng một tiếng đi dạo quanh vườn, quan sát thêm những phát minh được dựng lại, và ghé thăm nhà nuôi chim bồ câu của ngài. Lúc này lá bắt đầu chuyển qua màu vàng và đỏ, xoã bóng bên mặt hồ tĩnh lặng. Đói bụng cồn cào, nhưng chúng tôi phải đợi đến 7 giờ tối, thời điểm những nhà hàng ở Pháp mới mở cửa, tụi tui ráng tận hưởng giờ cuối cùng ở trong vườn của Leonardo trước khi họ đóng cửa. 

Vườn Chateau Du Clos Luce
Vườn Chateau Du Clos Luce
Vườn Chateau Du Clos Luce
Vườn Chateau Du Clos Luce

Tóm lại

Tụi tui đi khắp nơi từ Normandy tới Loire ở Pháp, nhưng tui ấn tượng nhất là Le Clos Lucé, dù nơi đây không phải lâu đài lộng lẫy, nhưng đầy lịch sử của người đàn ông thời Phục Hưng nổi tiếng mà tui luôn ngưỡng mộ, và khu vườn tuyệt đẹp của ngài. Nếu như được quay lại, tui vẫn sẽ ghé thăm nơi này. 

You Might Also Like...

No Comments

    Leave a Reply

    error: Content is protected !!