Cuộc sống Du Lịch

Hoàng hôn lộng lẫy ở Lâu đài Chantilly

Sáng thứ bảy giữa tháng Mười, 2019, chúng tôi bắt xe điện Eurostar từ trạm xe điện ở London nhộn nhịp đi tới thành phố Paris hoa lệ. Bước xuống trạm Gare Du Nord, đeo ba lô ngược và tay kéo vali, tui lơ ngơ tìm kiếm mẹ trong đám đông chờ người thân. Bỗng dưng từ trong đám người lạ cất lên tiếng gọi thân quen của mẹ gọi tên tui, và tụi tui chìm vào vòng tay của mẹ trong phút chốc. Gần hai năm trời mẹ con gặp nhau, ai cũng vui hết, nhất là mẹ nhìn thật là hạnh phúc, còn tui không biết nói gì chỉ biết theo mẹ. Sau bữa cơm rau muống lâu lắm rồi mới được ăn với mẹ, tụi tui được mẹ dẫn đi lâu đài Chantilly gần Paris, một trong những lâu đài tuyệt đẹp ở Pháp mà tui được dịp tới thăm trong một buổi chiều với hoàng hôn mùa thu rực rỡ.

Vị trí địa lý

Cách thành phố ánh sáng Paris 50 km về phía Bắc, toạ lạc toà lâu đài Chantilly giữa những cánh rừng thơ mộng của thành phố Chantilly. Vùng đất này bắt đầu liên quan tới gia đình Montmorency  vào năm 1484. Căn biệt thự đầu tiên được khởi công vào năm 1528 bởi Pierre Chambiges cho Anne de Montmorency,  công tước vùng Montmorency. Lúc đầu chỉ có lâu đài nhỏ (Petit Château) được thiết kế bởi Jean Bullant dành cho ông nì vào năm 1560. Vào năm 1632, sau cái chết của Henri II de Montmorency, tướng Pháp vùng Montmorency, toà lâu đài được chuyển qua cho người cháu, Grand Condé, con của Charlotte Marguerite de Montmorency.

Lâu đài Chantilly, Pháp
Lâu đài Chantilly, Pháp

Toà biệt thự ban đầu bị phá huỷ trong Cách mạng Pháp, sau đó được hoàng tử vùng Condé, Louis Henri II trùng tu lại dù toàn bộ gia tài này bị tịch thu từ gia đình Orléans từ năm 1853-1872. Cả lâu đài này sau đó được xây dựng lại hoàn toàn từ năm 1875 đến 1882 bởi Henri d’Orléans, công tước của Aumale, theo thiết kế của Honore Daumet. Thiết kế mới nì bị không ít lời khen tiếng chê, trong đó có với Boni de Castellane lời bình:

“What is today styled a marvel is one of the saddest specimens of the architecture of our era — one enters at the second floor and descends to the salons”

Tạm dịch: “Lâu đài kiểu nì là một điều đáng tiếc nhất trong kiến trúc của thời này. Người ta đi vào ở tầng hai, rồi đi xuống phòng khách ở tầng một”.

Sau khi ông công tước xứ Aumale chết, toà lâu đài được chuyển qua thuộc sở hữu của Institut de France vào năm 1897.

Musée Condé

Ai chê thì chê, chứ bản thân tui thấy toà lâu đài rất lộng lẫy! Chắc vì đây là lâu đài đầu tiên tui đi ở châu Âu, nên không có nhiều kiến thức để so sánh. Chạy ngang qua hàng cây lá vàng rực rỡ của mùa thu nước Pháp, và đi bộ một quãng dài mới tới cổng lâu đài, tui choáng ngợp trước sự cổ kính và chi tiết của lâu đài Chantilly. Sau khi bước qua cây cầu đá nhỏ qua hồ nước phẳng lặng của lâu đài và đi qua bức tượng bốn chú chó săn bằng đá đầy uy nghi, một chú nhìn trực tiếp vào nguời thưởng lãm, một chú nhìn về trời, một chú nhìn về phía tượng người hùng cưỡi ngựa và  một chú nhìn xa xăm về phía lâu đài, du khách sẽ khá bỡ ngỡ khi vào trong lâu đài, vì thiệt sự không có sảnh tiếp khách mà chỉ có cầu thang bằng đá hoa cương đi xuống khu vực đồ lưu niệm bên dưới.

Hai con chó đá trước lâu đài Chantilly
Hai con chó đá trước lâu đài Chantilly
Phòng trưng bày tranh ở Chantilly
Phòng trưng bày tranh ở Chantilly

Hơi bối rối, tụi tui ghé thăm bảo tàng trưng bày tranh nổi tiếng với số lượng bộ sưu tập trưng bày chỉ sau bảo tàng The Louvre nổi tiếng ở Paris. Những bức tranh và sách ở đây đa số là thuộc thế kỉ 15 và 16 của những người nổi tiếng như  François và Jean ClouetVeroneseBarocciAnnibale CarracciDomenichinoSalvator RosaNicolas PoussinPhilippe de ChampaigneVan DyckGuido ReniJean-Baptiste GreuzeJoshua ReynoldsEugène DelacroixIngresGéricault.

Phòng trưng bày tranh ở Chantilly
Trạm trổ trên mái của phòng tranh
Phòng trưng bày tranh ở Chantilly
Phòng trưng bày tranh ở Chantilly

Ngoài tranh ảnh, thư viện đầy sách mà tui mơ ước từ nhỏ ở đây cũng tràn đầy 1500 những cuốn sách viết tay trên da, và 17.500 sách in, và khoảng 300 cuốn viết tay từ thời Trung Cổ. Nhìn những cuốn sách dày cui nhưng đầy những dòng chữ nắn nót như chữ in trên những miếng giấy da cổ, tui không khỏi ngỡ ngàng trước sự kiên nhẫn của người viết, và khả năng bảo tồn qua bao thế kỉ của người Pháp để người ở thế kỉ 21 có thể chiêm ngưỡng và trầm trồ.

Nhà thờ bên trong lâu đài Chantilly
Nhà thờ bên trong lâu đài Chantilly
Trần nhà được trang trí bằng những bức hoạ tuyệt đẹp
Trần nhà được trang trí bằng những bức hoạ tuyệt đẹp
Phòng đón khách ở lâu đài Chantilly

Rừng lá thu

Vì đến thăm toà lâu đài vào chiều muộn, tui chỉ có chút ít thời gian để thăm thú bên trong lâu đài, và chiêm ngưỡng vài tuyệt tác bên trong thư viện, phòng triển lãm tranh, ngồi lặng im bên trong Chapel (nhà thờ) với nhiều điêu khắc tuyệt đẹp về Chúa và những Thiên Thần. Sau khi lâu đài đóng cửa, mọi người thơ thẩn đi ra vườn phía sau lâu đài. Duy bị đau chân do đi bộ với tui suốt 2 ngày liên tục ở London, nên tui và mẹ để nó ngồi bên hồ một mình, rồi hai mẹ con đi dạo trong rừng bao quanh lâu đài.

Một hồ nhỏ trong rừng Chantilly
Một hồ nhỏ trong rừng Chantilly

Thường những lâu đài ở Pháp đều có một khu vườn trang trọng (French formal garden), và lâu đài Chantilly này cũng vậy, với nhiều hồ nước phẳng lì  và hằng hà những bức tượng điêu khắc được sắp xếp bởi André Le Nôtre

Lá thu trong vườn Chantilly
Lá thu trong vườn Chantilly

Từ khu vực toà lâu đài này có thể nhìn thấy trường đua ngựa Chantilly (Chantilly Racecourse), và Grandes Écuries (nôm na là Chuồng ngựa vĩ đại), trong đó bao gồm Bảo Tàng về Ngựa. Theo như thiên hạ đồn,  Louis Henri, Công tước xứ BourbonHoàng tử của Condé, tin rằng sau khi chết sẽ được tái sinh thành con ngựa, nên vào năm 1719, ông nì sai ông kiến trúc sư Jean Aubert  xây những chuồng ngựa đáng với địa vị của ổng. Không hiểu sao không chọn con nào khác mà lại chọn con ngựa để tái sinh nhỉ? Gặp tui thì chắc tui cũng chọn con ngựa, vì năm tuổi của tui 🙂

Rừng Chantilly trong chiều thu đẹp
Rừng Chantilly trong chiều thu đẹp

Mẹ và tui đi qua con đường mòn, xung quanh được rào lại cho mấy chú cừu béo núc ăn cỏ. Khác với khu vườn nhỏ của tui ở Mỹ hay Canada, tui và mẹ đi cả tiếng vẫn không hết nổi! Tui rất thích đi dạo trong rừng cây lá mùa thu, hít khí trời trong lành, và cảm giác lá vàng rồm rộm dưới từng bước chân. Cảm giác bình yên bên những cành liễu soi mình bên hồ là mơ ước của tui khi còn bé, và cuối cùng tui cũng được trải nghiệm ở nước Pháp xa xôi. 

Mùa thu bên hồ Chantilly
Mùa thu bên hồ Chantilly

Đi dạo vòng quanh cả tiếng, mọi người ai cũng mệt lử ngồi thở bên hồ nước. Lúc này đã 7 giờ tối, và mọi người gần như đã ra về hết. Bạn có thể thơ thẩn rong ruổi trong khuôn viên lâu đài sau giờ đóng cửa mà không ai nói gì cho đến 8 giờ tối. Lúc mọi người lục tục ra về, bầu trời dần chuyển sang màu hồng rực rỡ. Tui giựt mình nhớ tới góc chụp bên dưới lâu đài mới đẹp, nên ôm máy chụp hình chạy thục mạng gần mấy trăm mét xuống vườn, khiến nhiều người Pháp nhìn tui tưởng bị ma đuổi!

Vừa đau chân do đôi giày rộng hơn bàn chân, vừa mệt vì vừa chạy vừa ôm tripod, tui vẫn còn gân chạy lòng vòng quanh hồ canh góc bấm máy. Kết quả là rất nhiều ảnh đẹp từ lâu đài này, làm tui mãn nguyện nhất trong chuyến đi Pháp nì. Mọi người chiêm ngưỡng nhé 🙂

Hoàng hôn ở Chantilly Pháp
Hoàng hôn ở Chantilly Pháp
Hoàng hôn ở Chantilly Pháp

You Might Also Like...

No Comments

    Leave a Reply

    error: Content is protected !!