Văn hoá
Cuộc sống Du Học Du Lịch

Những điều nên biết trước khi đi Mỹ và Canada

Bắc Mỹ bao gồm vài nước, trong đó lớn nhất là Mỹ và Canada. Trước khi đi du lịch, du học, hay di cư, có nhiều điều về văn hoá và cách cư xử bạn nên biết trước khi đi để tránh gây mất thiện cảm với dân bản địa. Vì Mỹ và Canada văn hoá rất giống nhau, nên bài này dành cho cả hai nước luôn nha.

Xếp hàng

Xếp hàng là một vấn đề nhức nhối cả chục năm ở Việt Nam, và không ít bài viết nói về vấn đề này. Tui đi nước ngoài hơn chục năm chưa về, nên không biết ở Việt Nam có còn chen hàng không, nhưng lâu lâu ra khu Việt Nam ở Mỹ, vấn nạn nì vẫn còn tồn tại.

Ở Mỹ và Canada, “văn hoá” xếp hàng rất là cao, nhất là ở mấy nơi đông đúc ở các tụ điểm ăn chơi. Đi Disneyland, hay Universal Studio, xếp hàng 30 phút đến 2-4 tiếng là chuyện bình thường.  Đi mua sắm Black Friday, giăng lều xếp hàng nguyên ngày. Đi coi phim mới ra, cũng xếp hàng. Đi mua iPad mới ra lò, cũng xếp hàng. Đi chụp hình ở vùng đồi núi khỉ ho cò gáy, cũng xếp hàng! Nói chung là nếu bạn ham vui như tui thì nên chuẩn bị tinh thần xếp hàng!

Image result for long queue disneyland

Hàng đợi ở Disneyland

Vậy thế nào là văn hoá xếp hàng? Đơn giản thôi, đừng có chen hàng. Nhiều ông bà châu Á mới qua Mỹ thường có màn chắp tay sau mông, lạng qua lạng lại rồi đi thẳng lên trước, trong khi tụi Mỹ nó nhìn với con mắt hình viên đạn. Đôi lúc có người thấy người quen đứng trong hàng, hí hửng chào hỏi “Chào ông, lâu quá không gặp, dạo nì sao roài?”, hỏi bâng quơ vài câu rồi sẵn tiện đứng luôn ở đó, mặc kệ cái đám đứng sau lưng bực mình ra sao!

Một chuyện hài hước khác mà chính tụi tui bị là lúc con em và thằng chồng Mỹ trắng tên Ryan đi ăn phở ở khu Việt Nam. Sau khi ghi tên xếp hàng đứng đợi cả tiếng, đến lúc anh phục vụ bàn ra gọi “Ryan 2 người”, thằng nhỏ chưa kịp trả lời, thì một ông già Việt Nam dắt một bà già trả lời “Tui tui” rồi thản nhiên ngồi xuống ăn phở! Thằng Ryan ngơ ngác nhìn vào danh sách thì thấy toàn tên Việt Nam, chỉ có mình nó Ryan, vậy là ông già nì nhận vơ tên nó! Tính Mỹ trắng nổi lên, anh nì làm một tràng ở tiệm phở rồi thề không ra tiệm phở này nữa. Tui nói nó lần sau có thấy ông già nì ở Little Saigon, gọi “Ryan” thử xem ổng có quay lại không 🙂

Một bài viết của một bài báo Australia với minh hoạ bằng video khá dí dỏm tui khuyến khích bạn nên coi: https://www.news.com.au/lifestyle/real-life/uk-woman-lists-what-aussies-consider-bad-manners/news-story/2f4d21d234bf426363fb4886517f6460 

Image result for queue etiquette

Giữ cửa

Chuyện giữ cửa chắc chỉ có ở Mỹ và Canada, vì mỗi lần có vài đứa bạn từ Úc hoặc châu Âu sang, tui thường nhắc nhớ giữ cửa cho người đi sau mình. Có thể văn hoá nì đã lan truyền qua những nơi khác, nên tui không muốn gom đũa cả nắm. Nói chung là nếu bạn mở cửa, dù là bạn là nam hay nữ, già hay trẻ, bạn nên dòm phía sau lưng xem có ai đang đi tới không. Nếu trong vòng vài giây người đó sẽ tới cửa, bạn nên giữ cửa để tránh đóng cửa vào mặt người đó, vì điều đó không lịch sự.

Related image

Giữ cửa, đặc biệt là cho người đang khuân vác, đẩy đồ cũng là một điều tốt, vì đôi lúc họ không có tay để mở cửa. Dù người đó có là nhân công, cấp dưới mình, hay người lạ, bạn cũng nên giữ cửa vì đó là điều tối thiểu của người văn minh. Một số đồng nghiệp nam của tui thì dù tui có giữ cửa cho họ, họ vẫn giữ cửa cho tui rồi mời tui đi trước, nhưng đối với tui nam hay nữ gì cũng phải đối xử như nhau, và dù bạn có là phụ nữ vẫn nên giữ cửa cho người khác.

Mở cửa xe

Chuyện mở cửa xe là chuyện tui mong muốn mọi người mới qua Mỹ nên biết vì lần nào tụi tui đi đón người quen mới từ Việt Nam qua, tụi tui cũng bị đau tim vì họ cứ thản nhiên mở cửa mà không nhìn ngó, đập cái rầm vào xe kế bên, làm móp xe hoặc trầy xe người ta. Mỗi lần sửa vết móp thường từ $50-1000 tuỳ vào độ móp và tuỳ theo loại xe. Nếu bạn vô ý làm móp xe Porche thì chỉ có nước ngồi khóc!

Có người sẽ hỏi “làm sao biết đứa nào làm móp xe mình trong bãi đậu xe?”. Những bãi đậu xe Mỹ đều có camera, và nếu chủ xe than phiền với chủ đất, họ sẽ dễ dàng truy ra bạn là đứa nào để ghi vé phạt. Con em tui từng bị gọi đích danh vì làm móp xe người ta mà không báo, và người ta đưa video chỉ ra xe nó là thủ phạm luôn. Ngoài ra, những xe như xe Tesla của tui có camera khắp xe, và nó sẽ tự động quay lại nếu có ai tới gần xe, nên bạn có chạy trời cũng không thoát đâu. 

Như một em sinh viên từ Việt Nam được tụi tui đi ra phi trường đón, vừa xuống sân bay đã mở cửa cái rầm, làm móp xe kế bên và trầy cái xe Pathfinder tui mới vừa mua vài tháng! Tui xám mặt nhưng chỉ nhắc đừng có làm như vậy và không lấy tiền nó vì nghĩ nó mới không biết. Tuy nhiên, em nì chắc thuộc loại “đặc”, nên vài ngày sau cũng mở cửa xe của người quen và làm trầy xe người đó, và kết quả bị đòi vài trăm đô tiền sửa xe. Do đó, tốt nhất là khi mở cửa, làm ơn nhẹ nhàng, tránh làm trầy xe người khác.

Câu hỏi cần tránh

Có nhiều điều ở Mỹ và Canada bạn cần tránh hỏi, đặc biệt là về tuổi tác, điểm số và lương bổng. Đối với nhiều nước khác, tuổi tác và luơng bổng không là vấn đề, tuy nhiên đối với dân Mỹ, họ khá kị, trừ khi bạn là người thân thiết. Vì văn hoá Việt Nam thường có phân biệt về tuổi tác, nên mình thường hay hỏi tuổi để biết dùng từ cho phù hợp, nhưng tụi Mỹ chỉ có “you” với “me”, nên tuổi tác không quan trọng. Vì thế, bạn không nên hỏi tuổi người ta lúc mới quen, trừ khi người ta tự khai.

Image result for asking age meme

Điểm số và lương bổng cũng khá kị. Người châu Á gặp nhau hay khoe điểm số, lương số của mình hay con cái cho người khác biết, ngay cả điểm thi Đại Học ở Việt Nam ai cũng dò được trên mạng! Tui còn nhớ hồi học ở Lê Hồng Phong, ông thầy Lý vô duyên thường hay đọc tên, vừa phát bài vừa đọc điểm số, ví dụ như “Nguyễn Văn A, 3 điểm!” làm đứa nào nhận bài mặt cũng đỏ kè.

Ở Mỹ và Canada thì không như vậy, mạnh ai người đó biết. Điểm số và lương của bạn là để đánh giá thực lực của bạn, và đó là vấn đề cá nhân, không nên đem ra so sánh để dằn mặt nhau, gây đố kị trong nội bộ nhóm. Ví dụ như nếu bạn biết trong văn phòng mình, bạn nhận ra có thằng làm cũng giống mình, mà lương gấp đôi, thì bạn có thể sẽ đố kị, đem lên hỏi sếp và gây lục đục trong nội bộ. Nói chung là vấn đề này có hai mặt, và đôi lúc tụi Mỹ cũng bàn luận chuyện bí mật lương bổng gây ra sự chênh lệch trong lương số giữa đàn ông và phụ nữ. Tuy nhiên, đó là vấn đề tranh cãi của tụi Mỹ, còn nếu bạn mới quen người ta, làm ơn đừng khoe điểm và lương của mình.

Hút thuốc lá

Ở Mỹ, đặc biệt là California, luật hút thuốc rất chặt chẽ, và bạn không thể bạ đâu hút thuốc ở đó. Trừ sòng bài ở Las Vegas, những toà nhà thương mại thường cấm hút thuốc bên trong nhà, và trong phạm vi 20 feet (khoảng 6 mét) từ cửa ra vào. Thông thường họ sẽ có khu hút thuốc riêng với thùng rác đựng tàn thuốc ở xa cửa ra vào, để tránh gây ô nhiễm không khí cho những người không hút thuốc. Ngoài ra, nếu bạn hút thuốc trước mặt trẻ em, điều này rất tối kị vì thứ nhất bạn đang gây nguy hiểm cho người khác dù người đó không hút trực tiếp (second hand smoking), và thứ hai là tạo ra thói quen không lành mạnh cho trẻ nhỏ. Theo thông tin của chính phủ Mỹ, người hút thuốc lá gián tiếp có thể tăng khả năng bị ung thư phổi, bệnh tim lên 25-30%, và những bệnh đường hô hấp khác.

Image result for smoking ban

Nhiều người Mỹ hút thuốc lá, nhưng bạn sẽ khó thấy họ vừa đi vừa hút phì phèo như trong phim. Đa số thường đứng cửa sau hoặc những chỗ riêng để hút. Tuy nhiên, rất nhiều người châu Á vô tư vừa đi vừa hút, hoặc ngồi ngay trước cửa hút thuốc lá, gây khó chịu cho rất nhiều người khác. Bạn có uống rượu uống bia thì chỉ có hại cho bạn, nhưng hút thuốc lá không những hại cho bản thân, mà còn rất nhiều người khác, đặc biệt là người thân của bạn.

Ngoài chuyện cấm hút thuốc ở nơi công cộng gần khu thương mại, nhiều khách sạn và công ty thuê xe cũng cấm hút thuốc bên trong tài sản của họ. Lý do là vì khói thuốc lá chứa hàm lượng nicotin rất nhiều nhưng cũng nhỏ li ti, khó lọc hết và bám vào thảm, đồ đạc rất lâu và gây mùi hôi khó chịu. Do đó, nếu bạn hút thuốc trong những phòng cấm hút thuốc, bạn sẽ bị phạt rất nặng.

Rượu bia

Chuyện rượu bia thì dân châu Á khá vô tư, và không ít người đưa tiền cho con mình mới lóc chóc vài tuổi đi mua rượu để nhậu. Ở Mỹ luật uống rượu rất chặt chẽ, bạn phải trên 21 tuổi với bằng lái xe mới được vào quán rượu hoặc đi mua bia. Nếu người bán không kiểm tra tuổi người mua, người bán sẽ bị tước bằng bán rượu và đôi khi vào tù. 

Image result for buying alcohol outside

Đối với người mua, dù bạn đã mua rượu, không có nghĩa là bạn được quyền cầm chai rượu hay chai bia ra đường vừa đi vừa tu, vừa chửi làng chửi xóm như Chí Phèo được đâu. Khi mua, bạn sẽ phải bỏ chai bia/rượu trong bao đen để che lại, và phải đem về nhà uống, không được tu rượu giữa thanh thiên bạch nhật. Ông họ hàng xa của tui mới qua đi mua bia rồi vừa đi vừa uống thì bị cảnh sát hỏi thăm ngay lập tức. 

Sau khi làm vài li, bạn cũng không được lái xe về khi nồng độ cồn trong máu cao. Nếu như bị bắt vì lái xe lúc xỉn, bạn sẽ bị DUI, có thể mất bằng lái xe, và nếu vi phạm nhiều lần và gây nguy hiểm cho người khác có thể bóc lịch dài dài. Còn nếu bạn đi theo dạng di trú, và dính DUI, bạn có thể bị trục xuất và không được xin thi quốc tịch luôn.

Vệ sinh công cộng

Bạn có bao giờ khọt khẹt phun cái toẹt giữa đường? Bạn có bao giờ buồn nôn khó chịu trên xe rồi mở kiếng xe tiện tay quăng cái bao ói cho cuốn theo chiều gió? Bạn có bao giờ trút bầu tâm sự bên đường mà chẳng màng thiên hạ ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái? Nếu bạn từng làm những điều trên, làm ơn đừng qua Mỹ, hay nếu có đi thì làm ơn học lối sống văn minh hơn trước khi đi!

Tuỳ theo luật từng tiểu bang, xả rác và tiểu tiện nơi công cộng sẽ bị phạt khác nhau. Ở California, nếu bị bắt xả rác trên đường quốc lộ, bạn sẽ bị phạt $1000.

Image result for california fine for littering

Còn tiểu tiện nơi công cộng là tội rất nghiêm trọng, có thể bị truy cứu vào tội indecency exposure, tức là tội “khoe hàng”, có thể bị 16 tháng tới vài năm tù, và phạt vài chục ngàn đô. Chưa hết, nếu bạn là di dân, bạn có thể sẽ vĩnh viễn không được thi quốc tịch, và tui biết một người đã bị dính vào trường hợp nì sau khi trút bầu tâm sự bên đường.

Gặp cảnh sát

Chắc chuyện gặp cảnh sát thì dù ở Việt Nam hay ở Mỹ ai cũng sợ, không riêng nước nào. Tuy nhiên cảnh sát Mỹ nổi tiếng là dữ dằn, và có thể lên đạn bất cứ lúc nào nếu thấy bị đe doạ (“Bị cảnh sát bắn là nguyên nhân chết cao nhất của đàn ông da màu”). Bản thân mình là da màu, bạn nên biết thân biết phận đừng tỏ ra chống đối, không thì ăn đạn có ngày. Rất nhiều vụ cảnh sát Mỹ bắn người, và nhằm vào dân da màu: năm 2019, có tới 660 vụ cảnh sát bắn người (Theo tờ Washington Post). Thậm chí có một vụ rùm ben là một chị cảnh sát Amber Guyger uống say đi vào nhầm căn hộ của một anh đen, mà tưởng người ta xâm nhập nhà mình, nên cầm súng xử anh đen ngay trong nhà ảnh luôn! (Vụ án)

Bạo lực Cảnh sát Mỹ
Số liệu của người bị cảnh sát Mỹ bắn chết theo năm

Nếu bạn đang lái xe mà bị cảnh sát nhá đèn xanh đèn đỏ, từ từ tấp vào một bãi đậu xe gần đó, ngồi yên trong xe đợi cảnh sát lại gần rồi kéo kiếng xuống. Đừng mở glove box (ngăn đựng đồ trong xe), vì cảnh sát sợ bạn có thể lấy súng ra nên tụi nó có thể sẽ ra tay nhanh hơn bạn. Rất nhiều người bị bắn vì ráng thanh minh và với tay lấy giấy tờ trong glove box.

Related image

Nếu cảnh sát không may tới gõ cửa nhà bạn, bạn nên tay không ra nói chuyện với cảnh sát. Nếu bạn có đang làm bếp, chặt thịt nấu hủ tiú, làm ơn để cây dao chặt thịt xuống rồi mới ra nói chuyện, không thì bạn có thể ăn đạn cảnh sát như vụ của bà Trần Thị Bích Câu. Bà nì ở San Jose, hiểu ít tiếng Anh và có vấn đề thần kinh, theo như bài báo phân tích. Lúc hàng xóm nghe tiếng gào thét và gọi cảnh sát tới, bà Câu cầm cây dao bào và la hét với cảnh sát, và bị bắn vào ngực chết. 

Do đó, lời khuyên của tui khi bạn gặp cảnh sát Mỹ là “giả nai”, bình tĩnh nói chuyện và không tỏ vẻ kích động hay thù hằn để tránh bị ăn đạn. Nếu có chuyện gì mà bị mời về đồn uống trà thì cứ xin gặp luật sư rồi hẵn nói chuyện.

Tóm lại

Ông bà có câu “nhập gia tuỳ tục”, và đi tới một nước, bạn nên theo phong tục, tập quán nước đó, để tránh gây phiền phức cho bản thân, cũng như tránh gây hiểu nhầm giữa nước bạn và nước mình. Những điều này không khó để thực hiện, và học cách sống văn minh không những chỉ tốt ở nước bạn, mà đôi khi cũng có lợi để đem về nước mình nữa. Hi vọng bài viết này hữu ích với những ai đang chuẩn bị lên đường tới Mỹ hay Canada 🙂

You Might Also Like...

No Comments

    Leave a Reply

    error: Content is protected !!