Một ngày cuối tháng Giêng, 2019, vài tuần trước khi trở về Mỹ, tui và mấy đứa làm chung Google quyết định đi xem dòng thác nổi tiếng Niagara Falls, nằm giữa Canada và Hoa Kỳ. Sau đây là hành trình của chúng tôi từ thành phố Waterloo, Canada qua biên giới Mỹ tới thác Niagara Falls và những điều thú vị bạn nên biết về nơi này.
Vị trí địa lý
Nằm ngay giữa biên giới giữa Mỹ và Canada là con sông Niagara, chảy từ hồ Erie vào đại hồ Ontario. Đây là con thác với dòng chảy khổng lồ nhất Bắc Mỹ, với độ cao hơn 50 mét (160 feet). Trong khoảng thời gian đông du khách nhất, có khoảng 168K mét khối nước đổ xuống trong mỗi phút! Horseshoe Falls (thác móng ngựa), một trong 3 cụm thác ở đây, là dòng thác mạnh nhất Bắc Mỹ về lưu lượng chảy.
Con thác khổng lồ nì nằm cách thành phố New York khoảng 27 km về phía Tây Bắc, và cách thành phố Toronto, Canada khoảng 121 km về hướng Đông Nam. Cụm thác Niagara Falls được hình thành từ những tảng băng vĩnh cữu được tách ra từ Wisconsin từ cuối kỉ Băng Hà, và nước từ Ngũ Đại Hồ tạo đường qua Niagara ra tới Đại Tây Dương.
Chuyện đi qua biên giới
Thiệt ra chuyện đi coi thác là do tui hứng lên rủ bà bạn Ấn Độ Pooja trong team đi ngày thứ sáu tuần đó. Do không có xe ở Canada, mà bà Pooja nì cứ nói “để hôm nào tao rảnh chở mày đi chơi” hoài, trong khi tui sắp về Mỹ, nên tui nói bà nì: “Thoai thì mai bà chở tui đi luôn đi. Tính hoài!” Pooja nghĩ ngợi rồi nói để tối xem ông chồng bả có đi nổi không vì ổng mới đi công tác từ San Francisco hôm đó về.

Tối 12 giờ đêm, tui đang học tiếng Pháp thì Pooja nhắn tui sáng sớm tới đón tui đi. Sáng thứ bảy trời khá ấm, khoảng… -3 độ C, tui khoác vội cái áo lạnh và chụp đống passport để chạy qua biên giới, chào tạm biệt hai mẹ con bà Tonya, rồi nhảy lên xe vợ chồng Pooja. Trên đường đi, Pooja đón Anna, một cô bạn người Romania cũng làm trong Google và chồng của Anna đi chung. Thế là 5 chúng tôi lên đường từ Waterloo sang Mỹ!
Pooja và Anna rất thân thiết, dù hai màu da khác nhau và cả hai tiếng Anh cũng ngọng ngọng! Tui có thấy Anna đâu đó trong Google nhưng chưa từng nói chuyện trước đó. Chồng của Pooja và Anna làm ở công ty ngoài, và rất hay đi công tác nhiều nước. Nhiều đến mức visa đóng hết giấy trên passport, người ta phải đóng chồng visa lên nhau! Nhìn passport của mấy người trong xe, rồi nhìn lại cái passport trống trơn của tui mà thấy phát ghen tị!
Tính tui ít nói chuyện, nhưng được cái tui thích hóng chuyện, nên để Pooja và Anna ngồi tíu tít suốt cả tiếng đồng hồ về đủ mọi chuyện trên đời. Họ lôi passport tui ra ngồi coi, và thích thú khi thấy tiếng Việt cũng Latin, thay vì chữ ngoằn ngoèo như chữ mấy nước châu Á khác, hay Anna ngạc nhiên khi biết người Việt cũng có món thịt đông, hay canh súp củ dền giống như người Đông Âu.
Dọc đường đi từ Waterloo, hai bên đường xa lộ là những cánh đồng trống trải, và lâu lâu điểm vài nông trại nhỏ hoặc trạm dừng chân đổ xăng. Khác với California, ở đây ít cây xăng hơn nhiều và cũng không có chỗ dừng chân để đi vệ sinh nhiều. Đi hơn cả tiếng đồng hồ, tụi tui bắt đầu thấy thành phố xôm tụ hơn, với vài toà nhà cao tầng, và sòng bài dọc theo con sông đi tới thác Niagara. Tui nôn nao muốn nhảy ra chụp hình khi chứng kiến dòng thác hùng vĩ đổ nước ào ạt, nhưng Pooja nói nên đi qua Mỹ trước, vì phía Mỹ xấu hơn phía Canada, nên mình sẽ không thất vọng nếu đi từ Mỹ trước.

Thường vào mùa hè, hàng dài xe xếp hàng ở biên giới sẽ mau chóng khiến bạn mệt mỏi ra về nhưng vì chúng tôi đi ngay mùa Đông, nên gần như chẳng có ma nào ở đây cả. Tui tui chạy thẳng tới trạm kiểm soát và rút passport ra đưa nhân viên kiểm soát. Vì Ấn Độ và Romania có visa du lịch đến 10 năm, còn tui có thẻ xanh, nên tụi tui chắc mẩm sẽ qua nhanh. Ai dè đâu, sau một hồi bấm bấm, ông nhân viên kiểm soát bắt tụi tui đậu xe, rồi đi lên tầng trên kiểm soát lần 2!
Với kinh nghiệm qua bao nhiêu năm với chính quyền Mỹ đầy quan liêu, dù không có gì tui cũng lo sợ, trong khi Anna và Pooja tỉnh queo cười nói. Đầu tui căng như dây đàn ngồi thu lu đợi, không dám móc điện thoại ra vì có biển báo cấm, trong khi Anna và Pooja lấy điện thoại cười nói chụp hình. Sau 20 phút, một anh nhân viên thò đầu ra gọi “Cho gọi 2 đứa Ấn Độ và 2 đứa Romania!” Tui ngơ ngác vì không biết phải làm sao, trong khi thẻ xanh và passport đang bị giữ chung với mấy người nì, nên tui cũng đi theo họ. Anh nhân viên nì chỉ tui hỏi: “Mày là đứa cầm thẻ xanh hả?”, làm tui giựt bắn dạ. “Vào luôn đi”, anh nì cộc lốc nói.
Thế là tụi tui đi vào trong gặp anh nhân viên khác, và anh nì trả tui cái thẻ xanh. Hoá ra là do anh chồng của Pooja gần hết hạn 6 tháng từ hồi vào Mỹ lần trước, nên phải trả $7 để làm lại. Chỉ vậy thôi mà kéo nguyên đám lên, làm tui thần hồn nát thần tính!
Niagara Falls bên phía Mỹ

Qua được bên biên giới Mỹ, tui mới thấy tại sao mọi người chê phía Mỹ xấu hơn. Trái ngược với thành phố xôm tụ bên Canada, phía Mỹ là khu tự trị của người bộ tộc, nên chỉ có lèo tèo vài casino và vài quán ăn giữa thị trấn heo hút. Lái xe qua bên cầu, tụi tui đậu xe giữa bãi đậu xe trắng xoá sau bão tuyết. Cách đây vài ngày là Polar Vortex (Xoáy Cực) với nhiệt độ xuống -40C ở nhiều bang phía Bắc nước Mỹ và Canada, nên đối với tui -3C là ấm lắm. Tuy nhiên, ở phía bên Mỹ nì, nhiệt độ lúc đó khoảng -12C, và gió tuyết khác hẳn bên phía bờ Canada.

Ráng giữ thăng bằng trên lớp băng dày hơn chục cm, tụi tui đi lại gần thác hình móng ngựa. Từ bờ phía Mỹ, bạn chỉ thấy một góc tí xíu, phía lưng của cái móng ngựa, và bạn phải đứng xa cả trăm mét vì tuyết đóng quá dày, rất nguy hiểm khi lại gần thác. Đi vòng quanh công viên phía Mỹ cô quạnh và vắng teo nhìn về phía Canada xôm tụ, bạn sẽ hiểu được sự tương phản, cả về quan cảnh lẫn thời tiết. Đứng được vài phút, tụi tui không biết làm gì khác nên quyết định đi ăn ở một nhà hàng Ý gần đó rồi trở về Canada.

Niagara Falls bên phía Canada
Khoảng 5 giờ chiều, sau khi ăn tối, tui tụi lái xe về Canada. Tới biên giới Canada, mấy bạn tui móc visa đi làm thì bà nhân viên Ok, nhưng lúc tui đưa cái visa Định cư tạm thời vì chưa được đưa thẻ, bà nì không hiểu sao la tui quá trời, bảo là “Tao không biết cái nì là cái gì! Đưa tao cái thẻ Định Cư!” Mèn đét ui, có đưa tui cái thẻ đâu mà tui đưa, tui chỉ được cấp cái visa để đi lại, mà lúc tui bay từ Mỹ về Canada cũng cái visa đó chứ đâu! Sau một hồi căng thẳng, tui sực nhớ cái tờ giấy lôn Confirmation of Permanent Residence, nên tui móc ra đưa. Lúc nì bà nì mới phán “Đó, tui chỉ muốn coi cái nì thôi. Nãy giờ không chịu đưa!”
Nói thiệt là từ hồi tui qua Canada tới giờ, tui thấy ai cũng thân thiện lắm, nhưng mừ bà chị nì là “chằn tinh” nhất mà tui gặp! Sau khi càm ràm tui sao không xin cái thẻ dù tui đã nói là tui xin rồi mà 3 tháng chưa chịu đưa, bà nì lẩm bẩm “Chính phủ làm có khác. Thiệt là chậm chạp!”. Đấy là bà chị nói đó, tui không có nói đâu à.
Sau 2 lần đau tim ở biên giới, tui thấy oải lắm, nên nhìn cái thác cũng hết ham nhưng Pooja dỗ tui bảo an tâm đi, ở phía Canada đẹp lắm, nên tui cũng nguôi ngoai. Sau khi đậu xe, tụi tui đi bộ qua đường tới thác. Lúc này trời đã tối, gió rét buốt, nhưng không có tuyết. Bên phía Canada, buổi tối họ sẽ chiếu đèn đủ màu sắc vào thác, và mỗi đêm trong ngày lễ có bắn pháo bông trên thác nữa.

Đi dọc theo đường đầy nước trơn trượt, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Niagara Falls. Đặc biệt vào mùa Đông, bạn sẽ chứng kiến thác nước nì đông cứng lại và bám đầy tuyết, khác với những hình ảnh bạn thường thấy. Đúng là chỉ có đứng ở hướng Canada, bạn mới thấy hết được vẻ hoành tráng và cảm nhận được hơi nước từ thác bắn lên dù đứng ở cách xa mấy thác nước.


Những người nhảy thác
Đứng kế bên thác Niagara Falls, bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp và sự nguy hiểm của dòng thác nì, nhưng nhiều người lại như những con thiêu thân đâm đầu vào đó. Những dòng chảy xiết, cuồn cuộn như ánh sáng mãnh liệt đầy ma lực thu hút những con người thích phiêu lưu mạo hiểm, thử thách bản thân. Người đầu tiên bày ra trò nhảy thác là bà già 63 tuổi tên Annie Edson Taylor. Ngày 24 tháng 10, 1901, bà giáo từ Michigan nì chui vào lu nhảy xuống thác, và sống sót dù bị chảy máu. Sau khi ra khỏi lu toàn mạng, bà nì phán “Không đứa nào nên làm giống tao nữa á!” (“No one ought ever do that again.”).
Tuy nhiên, sau khi thấy bà nì lành lặn, cả chục người khác cũng bắt đầu chơi trò nì. Mặc dù có vài người sống sót, không ít người một đi không trở lại. Và dù có trở lại, bạn cũng có thể bị phạt rất nặng vì trò nì là vi phạm pháp luật, đặc biệt là ở ngay biên giới 2 nước.
Đi dây trên thác
Ngoài trò nhảy thác, nhiều người còn nghĩ ra trò đi dây trên thác Niagara Falls. Trong lịch sử, có vài người đã từng liều mạng làm trò nì, và gần đây nhất là vào ngày 12 tháng 6, 2012, Nik Wallenda trở thành người đầu tiên đi bộ qua thác nì trong vòng 116 năm. Wallenda đi bộ trên sợi dây dài 550m qua bờ vực của Horseshoe Falls mà không có hỗ trợ gì. Người nì còn cầm theo passport để trình cho chính phủ Canada sau khi đi bộ từ Mỹ qua!
Tóm lại
Sau một ngày phiêu lưu, tụi tui lái xe về thành phố Waterloo trên con đường xa lộ đầy sương mù và mưa. Tính tui hay lo xa nên ngồi xe thấy run run vì ông chồng bà Pooja chạy băng băng trong con đường mù mịt. Gần tới nhà, Anna rủ qua nhà ăn món bò hầm mừ tui thì mệt lử nên xin kiếu. Lết vào nhà, tui tắm táp rồi nhảy lên giường lúc nửa đêm. Hú hồn là còn về lại được tới nhà, tưởng tui bị kẹt lại ở New York phải kiếm đường lết về California lại thì tiêu!
No Comments