Ngày thứ hai ở Toronto trước khi bay qua Florida dự hội nghị HIMSS 2019, hội nghị Công Nghệ Y Học lớn nhất thế giới, tui lang thang một mình tới thăm lâu đài Casa vào một buổi sáng mùa đông lạnh giá. Sau đây là chuyến phiêu lưu tới toà lâu đài nguy nga nhưng không kém phần huyền bí ngay giữa trung tâm thành phố Toronto sôi động.
Vị trí địa lý
Thành phố Toronto về hướng Nam dọc theo Đại Hồ rất hiện đại với nhiều toà nhà chọc trời và người qua lại nườm nượp. Tuy nhiên, chỉ cần bắt chuyến xe điện đi thẳng từ trung tâm chừng 20 phút thẳng tới lâu đài Casa Loma về phía Bắc, bạn sẽ nhận thấy sự trái ngược với trung tâm.
Nhảy ra khỏi xe điện ngầm, tui cắm cúi đi lên đường cái. Con đường hiện ra không đông đúc và sạch sẽ như tui thấy ở trung tâm mà khá cũ kĩ với những ngôi nhà nhỏ như cả chục năm, và hai bên đường có nhiều hình vẽ graffiti. Lúc này đã 10 giờ sáng, nhưng con đường vắng teo, chỉ có tui đi bộ lên đồi, hướng về lâu đài Casa Loma lấp ló phía sau ngọn đồi.
Lâu đài Casa Loma và lịch sử
Đi bộ từ trạm xe điện về một ngã ba khoảng 5′, tui leo lên một cầu thang bằng đá lên ngọn đồi. Ngoài trời lúc này vẫn còn khá lạnh, khoảng 3-5 độ C, băng vẫn còn chưa tan hẳn nên tui phải ráng giữ thăng bằng trên những bãi cỏ phủ đầy tuyết, đôi lúc trượt trên băng tưởng té lăn ra! Tới đỉnh đồi, tui quay lại nhìn về hướng Nam là toàn cảnh thành phố Toronto tráng lệ và phía xa xa sững sững ngọn tháp CN (Tower) trong ánh nắng ban mai.
Nhìn thấy lâu đài Casa Loma phía trước, tui đi trên qua con đường nhỏ xuyên qua những khu vườn có những hàng cây trắng xoá trông rất lạ mắt. Lúc này tui là người đầu tiên tới lâu đài và họ cũng chưa mở cửa, nên tui đi lòng vòng trước cửa chụp hình và quay phim, và cũng để tránh bị đông đá! Được vài chục phút sau thì có mấy em nhìn như sinh viên tới đứng đợi chung với tui. Ít nhất tui cũng có bạn cùng cảnh ngộ 🙂

10 giờ 30 phút, cửa lâu đài hé mở ra, và tui nhanh chóng trả tiền vé vào cổng. Người gác cổng chỉ tay kêu tui đi bộ xuống tầng hầm, tới quầy lưu niệm lấy máy hướng dẫn, để mỗi lần tui tới chỗ nào đáng lưu ý, tui chỉ cần bấm số chỗ đó, họ sẽ đọc cho tui nghe. Vòng qua phía sau cửa hàng lưu niệm là bản chỉ dẫn đi vào tầng hầm xuyên qua đường cái để tới khu chăn ngựa nổi tiếng của toà lâu đài nì.
Nào giờ tui rất khoái Lâu đài, đặc biệt là mấy cái lâu đài cổ, càng cổ tui càng ham, nên toà lâu đài được xây vào năm 1911 nì là cái cổ nhất tui từng được tới sau Hearst Castle ở California! Tui quàng cái máy hướng dẫn quanh cổ, cầm tờ giấy bản đồ, rồi đi về hướng đường hầm tăm tối một mình…
Đi theo mũi tên chỉ đường, tui quẹo vào bên trái và gặp ngay 2 bộ aó giáp hiệp sĩ sừng sững giữ cổng vào làm tui mất hồn. Tui giữ bình tĩnh đi tới 2 bộ áo giáp mà thấy hơi ớn vì cái áo giáp nó bự chảng, mà còn nhìn hắc ám nữa. Nếu có ai đi cùng thì chắc tui đỡ ớn hơn. Mà bản thân là người học khoa học, tui mắc gì phải sợ ma? Thế là tui kiên chân bước qua 2 bộ áo giáp, dấn thân vào con đường hầm ẩm ướt và mập mờ…

Né vài vũng nước giữa đường hầm, tui ráng đọc mấy bức tranh trắng đen về thời kì khủng hoảng kinh tế đen tối những năm 1930s ở Canada. Nhiều người mất nhà mất cửa, lâm vào cảnh khốn cùng và xếp hàng xin đồ ăn. Nhìn những hình ảnh Canada lúc đó, tui khó tưởng tượng được một Canada giàu có và hiện đại như ngày hôm nay. Đọc được vài hình, tui tự nhiên cảm giác rợn xương sống! Tui từng nghe nhiều người nói về cảm giác “lạnh sống lưng” nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tui thực sự cảm thấy cái lạnh buốt chạy từ dưới chân cổ xuống xương cụt! Mèn đét ui, tui không biết cảm giác đó là sao, nhưng mà tui thấy ớn ớn khi một mình giữa đường hầm tăm tối nì. Tui nên đi nữa không ta?
Đời tui từng làm nhiều điều khờ dại, nhưng mà mấy lần tui làm chuyện dại đều có người hùa theo chết chung. Lần nì tui có liều cũng không làm một mình được, nên quay đầu là bờ! Tui leo lên cầu thang quay lên lâu đài, rồi tham quan phòng ăn, phòng khách và vườn hoa tuyệt đẹp bên trong lâu đài giữa mùa đông giá lạnh.
Qua tầng một, tui mon men lên một cầu thang nhỏ xíu giành cho người ở. Những năm 1910s, quý tộc thường ở riêng, còn người ở chỉ được sống ở trên gác và có lối đi riêng. Những khu vực nì thường tối tăm và chật hẹp hơn nhiều, và chỉ đủ để một cái giuờng nhỏ và một vài cái ghế.



Chủ nhân lâu đài Henry Pellatt mua 25 miếng đất rồi mướn kiến trúc sư E. J. Lennox thiết kế lâu đài Casa Loma từ năm 1911. Vì giàu có nên ông nì cũng lo xa nên xây một đường hầm bí mật nối từ phòng làm việc sau kệ sách lên trên tầng trên, chắc sợ biến cố có thể xảy ra. Tui tò mò đi lên đường hầm bí mật nhỏ xíu thì đi ra sảnh tầng trên, với nhiều phòng ngủ với màu sắc trang nhã như thời kì Rococo của Pháp.

Lâu đài nì nguy nga, nhưng thực ra lại mắc nhất ở cái… chuồng ngựa! Chuồng ngựa (stable) được xây ở mảnh đất bên kia đường hầm từ năm 1906, mất khoảng 1/4 triệu đô la thời điểm đó, với chuồng làm từ gỗ Mahogany Tây Ban Nha (gỗ gụ), gạch chống trượt cho ngựa và mỗi con một chuồng. Sau khi chuồng ngựa được xây xong, ông Pellatt bán ngôi nhà mùa hè ở Scarborough cho con trai rồi dọn vào ở Hunting Lodge gần chuồng ngựa, rồi khởi công xây lâu đài. Đúng là con người không bằng con ngựa!
Toà lâu đài nguy nga nì tốn thêm $3,5 triệu, và cần 300 công nhân xây trong 3 năm. Vào Thế Chiến thứ Nhất, dự án nì bị tạm hoãn. Với khoảng 98 phòng trên diện tích 6,011 m2 , đây là “nhà” bự nhất ở Canada!

Sau khi tham quan lòng vòng ở lâu đài, số người tham quan bắt đầu đông lên nên tui cũng can đảm đi xuyên qua cái tầng hầm ẩm ướt với màu sắc rờn rợn để qua thăm cái chuồng ngựa siêu mắc. Kế bên chuồng ngựa thiệt là chuồng “ngựa sắt” với mấy chiếc xe cổ cực đẹp trong garage. Bạn cũng có thể tham quan vườn thực vật nhiệt đới ẩm ướt xanh rờn dù nhiệt độ cực thấp ở ngoài.


Qua đến cuối đường hầm, tui mới được biết là lâu đài này không còn thuộc về gia đình quý tộc này nữa. Những năm sau kì Đại khủng hoảng, thành phố Toronto tăng tiền thuế của toà lâu đài nì từ $600/năm lên tới $1000/tháng! Lúc nì ông Pellatt cũng kiệt quệ về tài chính, nên phải đấu giá hết đống tranh quý trị giá $1,5 triệu và đống nội thất trị giá $250,000. Cuối cùng, ông nì chỉ hưởng được toà lâu đài chưa đến 10 năm rồi phải đau khổ nhìn toà lâu đài bị chủ đầu tư mua lại làm khách sạn xa xỉ vào đầu năm 1920. Lâu đài nì sau đó bị tịch thu vì không trả thuế, và trải qua nhiều đời chủ khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của nó…

Trưa, tui đi bộ về khách sạn, trong lòng vẫn thắc mắc không hiểu tại sao tui lại cảm giác rợn sống lưng. Tui về Google thì phát hiện ra một đống chuyện ma về toà lâu đài nì, trong đó rất nhiều du khách kể về hồn ma của ông chủ thường lang thang ở tầng hai hoặc ở tầng hầm thường có cảm giác như ai kéo tay, rợn người hay nghe âm thanh kì quái (https://theculturetrip.com/north-america/canada/articles/5-things-you-didn-t-know-about-casa-loma/) Mèn ui, vậy là một đứa không bao giờ tin ma cỏ như tui lại có ngày trở thành du khách đi kể chuyện ma cho người khác! Nếu bạn không tin cứ tới thử xem, biết đâu bạn cũng “hên” gặp phải ông chủ quý tộc!
1 Comment
Trần Bích
July 18, 2019 at 5:21 amhay qua