Ở bài trước, tui nói chung chung về kinh nghiệm phỏng vấn những công ty tech ở Thung lũng Silicon. Nhiều bạn có gửi tin hỏi chi tiết hơn về kinh nghiệm phỏng vấn vào Google nên hôm nay tui xin nói rõ hơn về quá trình nộp vào Google để mọi người có thêm hiểu biết về hành trình gian nan nì.
Hội chợ việc làm
Năm cuối trường UC Berkeley, tui khăn áo chỉnh tề cầm xấp resume đi hội chợ việc làm vào mùa Xuân của trường. Với đôi giày da cùng bộ suit rẻ tiền tui mới mua trên mạng, tui bước vào hội chợ việc làm với hi vọng sẽ gây ấn tượng tốt với những công ty ở đây. Ai dè đâu, tui nổi bật nhất ở đây vì… hổng có ai mặc đồ chỉnh tề cả! Toàn sinh viên mặc quần jeans áo thun đi xin việc!

Tui lê lết khắp các gian hàng, ráng cười nhăn nhở giới thiệu mình, bắt tay với người tuyển việc rồi phát resume như phát tờ rơi. Tới gian hàng Google, tui tá hỏa vì cái hàng sinh viên dài rồng rắn. Đứng hơn cả tiếng đồng hồ, trong cái nóng hừng hực giữa đám đông như cá mòi, trong bộ suit rẻ tiền và trên đôi giày cứa chân chảy cả máu, tui nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Tới gặp được người đại diện, tui ráng nhăn răng cười, giới thiệu tên tuổi rồi đưa cái resume nhưng chắc vì đã tiếp quá nhiều người, anh này phán một câu làm tui chưng hửng:
“Bạn nên lên trang web https://careers.google.com/students/ để nộp đơn online. Chúng tôi nhận đơn giấy nhưng điền online sẽ nhanh hơn!”
Mèn đét ui, sao không nói sớm cho tui biết? Sau nì tui đi đại diện Google đi tuyển sinh mới hiểu nỗi lòng người ta vì không ai đọc nổi hết đống resume đó cả. Thiệt ra không ai nhớ bạn là ai trong cả ngàn người đứng xếp hàng sau một ngày nói khản cả giọng. Do đó, bạn nên lên thẳng trang web của Google và nộp đơn trên đó.
Trừ khi bạn là một đứa ba trợn, vô duyên như một sinh viên tui gặp ở hội chợ việc làm trường UC Irvine. Lúc đó tui đứng tuyển sinh cho Google với mấy anh Googlers khác. Đến một anh Tàu, tui vui vẻ chào hỏi, thì anh này độp ngay:
“Xin lỗi, tui chỉ muốn nói chuyện với Engineer thôi!”
Tui ngỡ ngàng nhìn anh nì ton ton qua gặp mấy anh Googlers mới ra trường đứng kế bên trong khi tui làm Engineer cũng đã vài năm! À, chắc anh nì nhìn thấy có mình tui là phụ nữ nên nghĩ tui chỉ là mấy người recruiter, chứ không phải là Engineer, đúng là phân biệt giới tính! Sau nì tui về Google kể lại, cả ngàn người phẫn nộ giùm tui và hỏi tui nó là đứa nào để tẩy chay nó luôn. Thế giới tròn, mà thế giới tech thì nhỏ, nên bạn nên cẩn thận đừng để nhiều người biết là bốc mắm luôn! Nếu như bạn mà làm giống dzị ở hội chợ việc làm, resume của bạn sẽ qua xấp từ chối ngay lập tức và không có cửa qua vòng gửi xe đó nha.
Phỏng vấn Google qua mạng
Quay lại với hội chợ tuyển sinh ở UC Berkeley lúc đó, với đôi giày cứa đứt chân, tui lột ra đi chân trần trên con đường nhựa nóng hổi lê lết về nhà nộp đơn cho Google vào khoảng 4-5 giờ chiều rồi lết vào giảng đường đi học. Tối hôm đó, khi đang gật gà gật gù làm nghiên cứu cho ông thầy, tui nhận được email từ Google lúc 3 giờ sáng, báo là Google muốn phỏng vấn tui cho internship mùa hè năm đó. Tui hồn vía lên mây vì không ngờ họ làm việc nhanh đến thế, mà cũng vì tui chưa có chuẩn bị gì hết trơn…
Vài ngày sau, tui được một chị tuyển sinh từ Google gọi tới, hỏi tui sơ sơ xem tui học tới đâu, tính làm gì cho mùa sau. Lúc đó là năm cuối và tui muốn lên học Thạc Sĩ nên tui có thể được đi thực tập vì những vai trò nì chỉ giành cho sinh viên sẽ quay lại trường học.
Sau khi trò chuyện, tui được hẹn gặp 2 engineers từ Google qua điện thoại. Mỗi cuộc gọi phỏng vấn như vậy là 45 phút. Nếu bạn qua được vòng phỏng vấn với engineer đầu tiên, bạn sẽ được gặp tiếp người thứ hai. Cả hai lần tui phỏng vấn đều qua điện thoại, và code qua Google Docs. Bạn sẽ được hỏi những câu hỏi hóc búa, và code trực tiếp, giải thích những gì bạn suy nghĩ cho người hỏi, và câu trả lời phải là tốt nhất, chạy nhanh nhất. Những câu hỏi nì thường không có trong chương trình học trong trường, đòi hỏi bạn phải sáng tạo và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết. Nếu như bạn từng học chuyên Tin ở Việt Nam, bạn sẽ có lợi vì đã được huấn luyện giải bài như điện trong thời gian ngắn. Tui xin không đưa những câu hỏi ở đây vì là bí mật của công ty và tui không được phép nói ra.
Lúc phỏng vấn, tui rất căng thẳng vì không đơn giản là gõ code như thi chuyên tin không, mà phải nói chuyện với người phỏng vấn. Sau khi nghe câu hỏi, tui phải ghi chú xuống những điều quan trọng mà người phỏng vấn đặt ra, hỏi lại cho kĩ xem mình hiểu đúng không và suy nghĩ nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề. Bạn phải liên tục nói trong lúc phỏng vấn vì nếu như bạn im re không nói tiếng nào, dù có giải quyết được vấn đề bạn cũng không qua được vì họ muốn biết bạn suy nghĩ ra sao, cách tiếp cận vấn đề và phối hợp với người khác cùng nhau giải quyết vấn đề đó. Do đó, bạn có thể im lặng vài giây để suy nghĩ, nhưng đừng im thin thít lặn mất tăm. Đây cũng là những gì tui tìm kiếm khi phỏng vấn qua điện thoại sau nì khi đã vào Google.
Đương nhiên là vừa nói vừa suy nghĩ rất khó khăn do trước giờ ở Việt Nam tui được dạy làm kiểm tra trong im lặng, chỉ cầm bút viết lên giấy rồi cắm cúi viết bài giải hoặc code như điện lúc thi chuyên tin. Hơn nữa, tiếng Anh đối với tui lúc đó khá vụng về, nên tui phải tập hàng ngày vừa nói lớn những gì mình suy nghĩ, vừa ghi lên bảng trắng. Qua thời gian, bạn sẽ quen với áp lực thời gian lúc phỏng vấn.
Khi đã đưa được lời giải cho câu hỏi, tui cẩn thận đi qua từng dòng code vì đây là viết tay chứ không có chạy trên máy tính, đưa ra nhiều test case khác nhau để chắc chắn là code tui viết đúng, và chạy nhanh nhất. Nếu như bạn code được, chạy đúng test nhưng chậm rì trong trường hợp số quá lớn hoặc máy quá chậm, thì bạn cũng rớt. Tui đã từng thấy mấy đứa bạn học chuyên Toán, chuyên Tin trường chuyên làm được hết vẫn rớt Google vì có thể câu trả lời chưa tối ưu nhất.
Qua vòng gửi xe
Vài ngày sau khi tui phỏng vấn qua điện thoại, tui nhận được email là tui đã đậu và vào trong pool, tức là ngồi chờ để được host (dịch nôm na là người chủ hay người quản lý project) chọn. Những môn bạn đã học, resume, điểm học đại học cũng như cách bạn giải quyết vấn đề ra sao đều được mấy host xem xét lựa chọn. Đa phần các hosts đều chọn sinh viên vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau cho mùa hè. Lúc tui được vào pool là tháng 4, lúc đó những projects đều gần như hết! Chưa hết, tùy vào địa điểm bạn chọn, có thể sẽ có ít dự án. Ví dụ như lúc đó tui không hiểu biết lắm, nên nhắm mắt chọn Los Angeles và Irvine vì tui chỉ thích ở Nam Cali, mà không biết là những office này rất nhỏ, lúc đó không có dự án nào cho tui cả 🙁 Những office như Mountain View và New York có cả ngàn người thì có nhiều cơ hội hơn cho bạn.
Sau gần một tháng đợi chờ mòn mỏi mà không thấy có kết quả, và bị sức ép của công ty Guidewire Inc., một công ty bảo hiểm trả lương ngang với Google, tui quyết định gửi email từ chối Google và nhận lời Guidewire. Sau khi thực tập ở Guidewire, tui được gọi đi phỏng vấn ở Google cho vị trí full-time. Tui sẽ đề cập ở bài sau.
Quá trình phỏng vấn gần đây
Những gì ở trên là kinh nghiệm của tui cách đây 5-6 năm rồi. Hiện nay, bạn sẽ phải làm một coding challenge qua mạng trước. Những câu hỏi nì thường random và khá “nguy hiểm”. Bạn sẽ phải giải quyết trong vòng 45-60 phút, được chạy thử xem có trúng trật gì không. Tuy nhiên, những test nì chì là những trường hợp đơn giản, bạn phải biết test những trường hợp đặc biệt, nguy hiểm khác mà code bạn có thể sai. Sau màn nì thì bạn mới được đi tiếp vào gặp 2 engineers giống như ở trên tui đề cập.
Ôn luyện
Để chuẩn bị phỏng vấn cho tốt, tui khuyến khích bạn nên lên những trang web sau đây để tham khảo về những câu những công ty tech hay phỏng vấn:
- https://www.geeksforgeeks.org/practice-for-cracking-any-coding-interview/
- https://www.hackerrank.com/programming-interview-questions/ : Luyện code những câu hỏi tech giống như những công ty tech hay screen trước.
- https://leetcode.com/ Nhiều câu hỏi giống như những câu được phỏng vấn thực sự ở những công ty tech lớn.
Sách luyện thi:
- Cracking the Coding Interview: Cuốn sách tuyển tập những câu hỏi phỏng vấn khó và cách tư duy, giải quyết vấn đề.
- Programming Interviews Exposed: Coding Your Way Through the Interview: Giống như cuốn ở trên nhưng câu hỏi khá dễ hơn nhưng cuốn nì giải thích căn bản và lý thuyết nhiều hơn
Nhập môn Hướng dẫn phỏng vấn:
- https://medium.freecodecamp.org/coding-interviews-for-dummies-5e048933b82b
- https://medium.freecodecamp.org/the-ultimate-guide-to-preparing-for-the-coding-interview-183251ee36c9
- https://www.palantir.com/the-coding-interview/
Hi vọng những gì tui cung cấp ở trên sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về quá trình phỏng vấn xin thực tập ở Google. Chúc bạn may mắn!
4 Comments
Nguyễn Hoàng
January 10, 2019 at 3:02 pmCho em hỏi các bài test ở google khi tuyển dụng ở các vị trí khác nhau của mảng IT đều có các câu hỏi về lập trình và giải thuật hay các vị trí khác nhau thì sẽ có các bài test khác nhau ạ. Em học bên network thì trường không chú trọng về giải thuật lắm nên đang tự học thêm mà khá lo khoản thuật toán.
alexdo
January 10, 2019 at 3:08 pmỞ Google có một vài vị trí khác nhau như engineer hệ thống (Software engineer, tools, infrastructure) hoặc software engineer. Thường Software Engineer thì hỏi rất nhiều về giải thuật và thiết kế hệ thống (system design). Còn engineer hệ thống thì có thể hỏi nhiều về network hơn. Về Software Engineer thường thì mình biết, còn những mảng khác thì mình không rõ.
Jin
February 23, 2020 at 7:29 amChị cho em hỏi về quá trình chị tìm kiếm hay săn học bổng bên mỹ, đặc biệt là các trường ở cali được không ạ, em chỉ đang là học sinh cấp 3 và có mong muốn học mảng computer science ở stanford hoặc ở uc ivrine ạ?
alexdo
February 23, 2020 at 5:14 pmHi Jin, thường những trường công lập như UC rất ít cho du học sinh học bổng, và có cho cũng rất ít so với số tiền bạn phải trả. Có những dạng học bổng bạn có thể xin:
– Regents Scholarship: Học bổng của những trường UCs khi bạn nộp vào nếu điểm cao. Thường có giá trị khoảng vài ngàn đô tùy theo bảng điểm và tùy trường
– Full scholarship cho Teaching Assistant: tùy theo trường và tùy theo department. Thường TA là những sinh viên gần năm cuối hoặc grad điểm cao. Ở UCB, TA có thể là undergrad. Alex được học bổng này ở UCB. Ở UCLA và UCI phải là grad students mới được làm.
– Private scholarship: bạn có thể tìm kiếm private scholarship và nộp. Thường các trường đều có đăng list scholarship để bạn nộp. Ví dụ em của Alex xin được Jack Kent Cooke và được max $40K/năm cho đến khi tốt nghiệp ở bất kì trường nào trên thế giới. Tuy nhiên học bổng này đòi hỏi điểm cao và chứng minh tài chính, và thường rất cạnh tranh.
Chúc bạn may mắn.