Sau 4 tiếng ngủ chập chờn trên ghế máy bay Air Canada từ phi trường Los Angeles, chúng tôi được giọng ông phi công đánh thức: “Xin thắt dây an toàn lại, chúng ta sắp hạ cánh xuống sân bay Pearson, thành phố Toronto. Chào mừng tới Canada!” Trời lúc 5 giờ sáng vẫn còn mờ tối, nhưng thành phố Toronto với những toà nhà chọc trời và hàng dài xe trên xa lộ dần hiện lên ở đường chân trời. Giấc mơ Mỹ của chúng tôi sẽ bắt đầu lại ở đây, Canada!
Ở bài trước, tôi đề cập đến lý do chúng tôi rời nước Mỹ, tới Canada. Hôm nay, tui xin đề cập tới lý do tại sao tụi tui lại chọn Canada, mà không phải những nước khác như Úc, dù chúng tôi cũng được Thường Trú Nhân của nước Úc.
Video ở trên thuộc tờ báo Kinh Tế nổi tiếng Bloomberg về sức mạnh công nghệ trí thông minh nhân tạo ở Canada. Bật loa để nghe nhé.
Kinh tế mạnh
Nhiều người Việt Nam tui nói chuyện thường cười cợt, bĩu môi nói Canada xa xôi, lạnh lẽo, vắng vẻ, “đi ở với khỉ à?” (!?) Chuyện này cũng dễ hiểu vì nhiều người qua Canada ở vùng sâu vùng xa, nên đi ra đường chẳng thấy một bóng người. Còn thành phố Toronto có tới gần 3 triệu người, người đi nườm nượp ngoài phố lúc nửa đêm như New York, kẹt xe cứng ngắc, khiến tui chỉ muốn ra khỏi thành phố cho lẹ vì tui không thích đông người!

Với số lượng dân chỉ bằng 1/10 nước Mỹ, và diện tích bằng nước Mỹ, Canada có nền kinh tế đứng thứ 10 trên toàn thế giới. Là nước đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng dầu mỏ, và là một trong những nước hàng đầu về Công Nghệ Thông Tin, đặc biệt là Machine Learning và Artificial Intelligence (trí thông minh nhân tạo) theo tạp chí Forbes.
Nói về Machine Learning, một lĩnh vực đang lên nhanh trong ngành phần mềm, Toronto và Montreal là những thành phố tập trung những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, là nơi Google Brain (team làm về trí thông minh nhân tạo ở Google) được thành lập.
Ngoài ra, Canada là nơi có “hành lang công nghệ” (Tech corridors) số lượng công ty tech startups nhiều chỉ sau Silicon Valley ở Mỹ. Những công ty hàng đầu thế giới như Amazon, Microsoft, Google, Facebook đều có trụ sở ở Canada vì mật độ nhân tài và chương trình di trú cho người tài ở Canada tốt hơn Mỹ. Nhiều kĩ sư Mỹ chán ngán cuộc sống đắt đỏ ở Silicon Valley và chính trị phức tạp ở Mỹ đã bỏ qua Canada (Đọc bài “I left Silicon Valley for Canada’s booming startup ecosystem“).
Thực tế, ở team tui có đến hơn 50% là kĩ sư từ Mỹ mới chạy qua Canada. Phong trào “lên Bắc” (Move North) của dân công nghệ ngày càng tăng sau chính sách di dân của Trump khiến nhiều người bất mãn bỏ đi, trong đó có nhiều người Mỹ. Xem bài “Tech conferences moving north as Trump policies turn off attendees“.
Văn hoá như Mỹ
Sống ở Mỹ gần 10 năm, chúng tôi hoà nhập với văn hoá Mỹ khá tốt. Đi học và đi làm với toàn người Mỹ, sống giữa cộng đồng người Mỹ, đi du lịch, giải trí, ăn uống cũng đồ Mỹ, tụi tui đã quen với văn hoá Mỹ nhiều. Nếu như phải qua Úc hay các nước khác, tụi tui phải học những thứ khác như ngôn ngữ, phát âm (Úc, Anh phát âm khác Mỹ), lái xe bên trái như Úc hoặc Anh, và những thứ khác.
Nhưng người hàng xóm Canada thì hoàn toàn y chang Mỹ. Từ cách phát âm cho đến văn hoá giải trí đều như Mỹ. Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng ở Hollywood như Celine Dion, Justine Bieber, tài tử Ryan Gosling, Ryan Reynolds, và nhiều người khác đều là người Canada! (Xem danh sách).
Nhiều phim Mỹ dù nói về cuộc sống Mỹ nhưng thực ra lại quay ở Canada. Ví dụ như phim truyền hình nổi tiếng “Once Upon a Time” của kênh ABC quay hoàn toàn ở bang British Columbia. Ngay cả bộ phim nổi tiếng Titanic cũng được quay ở thành phố Halifax, Canada. Ngoài ra, những kĩ xảo điện ảnh ở Hollywood thường được đem tới các công ty ở Canada để dựng vì giá rẻ hơn 60% so với ở Mỹ.
Dù khá giống Mỹ, người Canada lại rất thân thiện và lịch sự. Họ luôn luôn “xin lỗi” và “cảm ơn”, một điều tui nhận ra khi mới vừa bước chân xuống sân bay. Từ nhân viên văn phòng chính phủ đến người ngoài đường, ai cũng rất lịch sự với bạn. Còn ở Mỹ thì ngược lại, nhân viên chính phủ (đặc biệt là California!) tha hồ chửi bới, gây khó dễ và xem thường bạn.
Dùng hệ thống metrics
Dù văn hoá khá giống Mỹ, Canada lại dùng hệ thống mét (metrics) giống như bao nước khác. Ở Mỹ thường dùng hệ thống imperial, hệ thống đơn vị rắc rối khó hiểu như feet (nôm na là “bàn chân”, khoảng 1/3m), miles (dặm = 1,6 km), và ounce cho cả đo lường thể tích lẫn khối lượng! Thiệt ra dân Mỹ cũng có lần quyết tâm thay đổi cho giống người, nhưng vì lì lợm nên cuối cùng trở thành một trong số ít nước xài hệ thống đo lường quái gở.
Tụi tui thiệt ra cũng quen xài feet, độ Fahrenheit, nhưng mà khi lần đầu thấy bảng chỉ đường ghi kilometer trên đường rời khỏi sân bay Toronto, tụi tui cảm động vô cùng, giống như được quay trở về nhà!
Bảo hiểm toàn dân
Với bảo hiểm miễn phí cho toàn dân, tui không phải lo mất việc mất luôn bảo hiểm Y tế như ở Mỹ (Xem bài tui viết về bảo hiểm Mỹ). Ở Mỹ nhiều người bệnh không dám đi khám, đến lúc khám thì nợ ngập đầu vì bảo hiểm không chịu trả, ví dụ như trường hợp bà Janet Winston ở California, đi kiểm tra dị ứng dán có miếng dán nhỏ xíu, phải trả $45K cho bệnh viện Stanford!
Tóm lại
Sau 2 năm nghiên cứu, cân nhắc lợi ích giữa đi và ở lại, chúng tôi quyết định dọn qua Canada vì tương lai. Nếu như quá nhiều người tài đổ qua Canada, thì tương lai không chừng Canada sẽ rất phát triển, và ai biết được có vượt qua được Mỹ hay không. Lịch sử 2 nước mới có 300 năm thôi, thời gian sẽ rõ!
No Comments