Du học là một bài toán hóc búa với nhiều phụ huynh và sinh viên. Bản thân tui cũng từng trải qua thời gian nghiên cứu rất nhiều về các nước như Mỹ, Singapore, Anh, Đức, v.v trước khi quyết định chọn Mỹ dù có học bổng của Singapore và Anh. Thời gian đã thay đổi khá nhiều, và các chính sách nhập cư ở các nước phát triển cũng thay đổi xoành xoạch, nên bài viết, này, tui sẽ đề cập đến những chính sách du học và nhập cư ở Mỹ, Canada và Úc để giúp bạn có thêm thông tin quyết định đi du học hợp lý và không bị “mắc cạn” khi ra trường.
Những Visa Làm Việc ở Mỹ
Trước vụ khủng bố 11/9, đi lại ở Mỹ khá dễ dàng. Nhiều du học sinh có việc làm được bảo lãnh ở lại cũng rất dễ dàng. Tuy nhiên, sau vụ khủng bố kinh khủng, chính sách nhập cư bị thắt chặt, và trở nên nhiêu khê hơn trước. Đặc biệt là khi ông “Chum” lên năm 2017, nhập cư ở Mỹ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Thực tập/Làm việc trong trường
Thường du học sinh ở Mỹ không được ra ngoài trường làm, mà chỉ được đi làm tối đa 20 tiếng/tuần ở trong trường. Nếu muốn ra ngoài thực tập, bạn phải nộp đơn xin CPT để được cấp phép đi làm một thời gian ngắn. Muốn được cấp CPT cũng rất nhiêu khê, vì bạn phải có công ty nhận trước, rồi vào trường học một lớp liên quan tới công việc, rồi xin adviser kí vào đơn, rồi quay lại công ty kêu sếp kí. Quá trình này có thể mất 1-2 tháng, trong khi thời gian thực tập có thể chỉ có 2-3 tháng!
OPT
OPT (Optional Practical Training) là visa để du học sinh tốt nghiệp trường Mỹ được đi làm trong thời gian ngắn. Thường là khoảng 12 tháng. Những tháng ngày cuối nhiệm kì Obama, ông nì cho phép kéo dài thời gian cho du học sinh những ngành khoa học (STEM) và kĩ sư được đi làm tối đa 3 năm sau khi tốt nghiệp. Nếu bạn quay lại trường học thêm cao học, bạn sẽ xin thêm được tối đa 3 năm nữa, tức là tối đa 6 năm đi làm OPT cho dân học STEM.
Xin OPT cũng khá trầy trật. Tui biết vài đứa bạn đi làm dạng nì. Bạn phải kiếm được công ty nhận trước, rồi vào trường nộp đơn xin OPT. Đơn này trước đây có thể xin làm lẹ hơn nếu công việc đòi hỏi vào sớm như Duy trước đây từng xin. Tuy nhiên, hiện nay không còn được như vậy nữa và bạn phải ngồi chờ từ 2-3 tháng. Điều này khiến nhiều công ty bực mình không muốn mướn du học sinh vì phải đợi quá lâu, còn du học sinh thì chờ “mốc mỏ” mà không thấy tin.
H1B
Trong thời gian làm OPT, du học sinh sẽ hi vọng được công ty bảo lãnh H1B (visa đi làm) để được ở lại đi làm tối đa 6 năm. Những năm 80-90s, H1B khá dễ dàng vì giấy tờ lý lịch khá thoáng. Hiện nay, H1B không còn dễ dàng nữa vì quá nhiều công ty nộp và quá nhiêu khê nên những công ty nhỏ không muốn đi qua. Thường chỉ có những công ty Tech là muốn mướn H1B vì thiếu nhân công hoặc muốn outsource cho rẻ.
Những năm gần đây, H1B trở thành xổ số vì số lượng đơn quá xá đông gấp 2-3 lần quota (quota mỗi năm là 65K và thêm 20K cho dân có bằng cao học). Do đó, cứ mỗi năm vào tháng 4, khi chương trình này vừa mở ra thì đóng lại chỉ sau 1-2 ngày vì lượng đơn ồ ạt gửi tới.
Đa số các đơn H1B là từ những công ty tech, đặc biệt là những công ty tech từ Ấn Độ làm thuê (contractor) cho những công ty tech khác. Những công ty này chiếm 60-70% đơn nộp vào, đôi khi còn chơi dơ nộp 2-3 đơn cho mỗi đứa để tăng xác suất trúng cho mấy người nì. Tại sao qua được mắt của USCIS? À vì những đơn nì nộp bằng giấy, chẳng qua hệ thống máy tính gì cả, nên USCIS nhiều lúc chẳng biết gì, cứ nhắm mắt nhận tiền nộp đơn thôi!
Vì số lượng đơn cao hơn quota, nên xác suất trúng của bạn chỉ có khoảng 30-40%. Rất nhiều đứa bạn tui rớt liên tục mấy năm liền và phải về nước. Ngay cả công ty lớn như Google cũng không xi nhê, vì tui từng phải nói chia tay với mấy đứa đồng nghiệp phải về nước ở châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, hoặc đi qua nước khác làm việc.

Vì nhiều công ty Ấn Độ khai thác lỗ hổng, và nhiều công ty sa thải nhân viên Mỹ để mướn dân H1B, chương trình này cũng trở nên tai tiếng. Do đó, điều kiện mới cho H1B là phải được trả lương ngang hoặc cao hơn mức lương thị trường. Nhiều công ty phải mất mấy tháng trời đăng tuyển việc và phải chứng minh là không kiếm được người Mỹ có khả năng phù hợp mới được làm giấy tờ bảo lãnh H1B. Như công ty của Duy đăng mấy tháng trời không thấy thằng Mỹ nào nộp cả, bị audit (kiểm tra lại, giám sát) rồi mới được bảo lãnh.
Chưa hết, nếu như bạn có gia đình, vợ chồng con cái theo diện H4, dưới thời Obama, vợ/chồng được phép đi làm. Tuy nhiên hiện nay dưới thời ông “Chum”, những người nì sẽ phải nằm nhà. Điều này sẽ gây khó khăn về tài chính cho không ít gia đình vì mất đi một nửa thu nhập.
Kì tới
Quá trình nhập cư của Mỹ rất dài dòng nên hum nay tui chỉ đề cập tới một số dạng visa. Lần sau tui sẽ nói thêm về thẻ xanh và những chương trình khác ở Mỹ.
No Comments