Dù đã có thẻ xanh ở Mỹ, tụi tui quyết định lấy luôn thường trú nhân (Permanent Resident, gọi tắt là PR) của Úc và Canada 2 năm trước. Tháng 9, 2018, tui quyết định dọn qua Canada ở cho biết sau gần 10 năm sinh sống ở Mỹ. Sau đây là lý do và quá trình xin thường trú nhân (PR) ở Canada.
Chương trình Express Entry
Khác với Hoa Kỳ, Canada và Úc có chương trình lấy thường trú nhân rất rõ ràng và dễ dàng cho dân có học thức, và khó cho mấy người ít kĩ năng hoặc chỉ muốn ăn bám xã hội. Năm 2016, khi chính phủ của Trudeau lên nắm quyền, ông này thay đổi một loạt chương trình di dân, đặc biệt là Express Entry (Dịch nôm na nham nhở là chương trình “Nhập cư siêu tốc”). Chương trình này giúp cho những người có kĩ năng cao và điểm tiếng Anh hoặc tiếng Pháp cao di cư nhanh chóng.
Khác với chương trình H1B hoặc công ty bảo lãnh thẻ xanh đầy nhiêu khê và phức tạp của Mỹ (hiện nay H1B là xổ số chỉ có 30-40% khả năng được), và mất mấy năm chờ đợi mòn mỏi mà không thấy đâu, chương trình Express Entry của Canada rất rõ ràng và nhanh chóng. Tuỳ theo kĩ năng và năng lực ngoại ngữ, bạn sẽ được cộng điểm. Nếu đủ điểm, bạn sẽ được chính phủ Canada mời nộp đơn.
Có 2 dạng Express Entry: Federal Skilled Worker (FSW) và Provincial Nominee Program (PNP).
Federal Skilled Worker
FSW là chương trình của chính phủ Liên Bang Canada, không yêu cầu phải ở một nơi nhất định, miễn sao ở đủ 2 năm trong vòng 5 năm ở Canada.
Provincial Nominee Program
Còn PNP là do Province (nôm na là bang hoặc tỉnh) đề xuất. Bạn sẽ được cộng thêm 600 điểm nếu được một province đề xuất tuỳ theo chính sách của mỗi bang. Tuy nhiên bạn sẽ phải sống ở bang đó tối thiểu 2 năm, nên bạn phải cẩn thận nếu như phải ở những bang xa xôi hẻo lánh. Hôm nay tui sẽ đề cập về chương trình FSW là chính vì tui đi theo dạng nì.
Trình độ ngoại ngữ
Để được vào hàng chờ đợi, bạn phải chứng minh được khả năng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp của mình. Ở Mỹ nhiều lúc bạn chẳng cần phải biết tiếng Anh gì cả, chỉ cần được thân nhân bảo lãnh là được thường trú nhân. Điều này không tốt vì nhiều người Việt ở Mỹ cả chục năm mà chẳng biết nói chữ tiếng Anh nào cả, hoặc không hoà nhập được với cuộc sống bên này.
Bởi vậy, chương trình Express Entry đòi hỏi phải thi IELTS cho tiếng Anh hoặc TEF cho tiếng Pháp. Sau đây là bảng điểm cho IELTS (bấm vào đây để biết thêm điểm tiếng Pháp):
IELTS
CLB Level | Ability: Speaking | Ability: Listening | Ability: Reading | Ability: Writing | Points per ability |
---|---|---|---|---|---|
7 | 6.0 | 6.0 – 7.0 | 6.0 | 6.0 | 4 |
8 | 6.5 | 7.5 | 6.5 | 6.5 | 5 |
9 | 7.0 | 8.0 | 7.0 | 7.0 | 6 |
10 and above | 7.5 – 9.0 | 8.5 – 9.0 | 8.0 – 9.0 | 7.5 – 9.0 | 6 |
Như vậy bạn phải được tối thiểu IELTS 6.0 thì mới có khả năng… xếp hàng đợi được mời vào nộp đơn.
Với năng lực ngoại ngữ, bạn sẽ được thêm tối đa 24 điểm. Ngay cả dân Mỹ cũng phải thi IELTS, không có ai được miễn trừ.
Bằng cấp
Ngoài khả năng ngôn ngữ, bằng cấp cũng rất quan trọng. Bạn phải chứng minh bạn đã tốt nghiệp trường 4 năm đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở những trường uy tín (Education Credential Assessment) . Bản điểm phải được gửi trực tiếp cho một tổ chức được chỉ định như University of Toronto hoặc WES. Tui xài WES và chỉ mất khoảng 2 tuần là có bản chứng nhận (có thể là vì tui học ở Mỹ).
Bạn sẽ cần bản chứng nhận bằng cấp trước khi được xếp hàng (pool). Với bằng cấp, bạn sẽ được thêm max 25 điểm.
Kinh nghiệm làm việc
Kinh nghiệm đi làm là một nhân tố quan trọng không kém. Bạn phải tốt nghiệp bằng cấp trong những ngành Canada đang cần, chẳng hạn như Kĩ Sư, Bác Sĩ, v.v. Bạn có thể coi xem ngành của mình có đang cần thiết hay không ở đây.
Sau khi biết được ngành của bạn có trong danh sách, bạn phải chứng minh được bạn đã có kinh nghiệm bao nhiêu năm trong ngành bằng cách nói công ty viết thư chứng nhận, có chữ kí của người chức trách, logo công ty và liệt kê những gì bạn làm ở công ty. Sau đây là năm kinh nghiệm và điểm tương đương:
Experience | Maximum 15 points |
---|---|
1 year | 9 |
2-3 years | 11 |
4-5 years | 13 |
6 or more years | 15 |
Với kinh nghiệm làm việc, bạn có khả năng cộng thêm tới 15 điểm.
Tuổi tác
Nếu như bạn có trẻ trâu, bạn sẽ được ưu tiên hơn chút, do bạn thường sẽ không có con cái, bệnh tật có thể gây gánh nặng xã hội.
Age | Points |
---|---|
Under 18 | 0 |
18-35 | 12 |
36 | 11 |
37 | 10 |
38 | 9 |
39 | 8 |
40 | 7 |
41 | 6 |
42 | 5 |
43 | 4 |
44 | 3 |
45 | 2 |
46 | 1 |
47 and older | 0 |
Nếu như bạn còn trong độ tuổi 18-35, bạn sẽ được tối đa 12 điểm.
Việc làm ở Canada
Nếu bạn có công việc ở Canada, bạn sẽ được cộng thêm 10 điểm nữa. Tuy nhiên điều này không cần thiết. Như tui lúc nộp cũng không báo là có việc làm hay không nên tui không được cộng 10 điểm.
Thân nhân ở Canada
Có thân nhân ở Canada cũng là cái lợi vì người thân thường giúp người mới qua hoà nhập nhanh chóng hơn. Do đó, bạn sẽ được thêm 15 điểm nếu có anh chị em hay ba mẹ ở Canada.
Anh chị em phải cùng cha hoặc mẹ, có thể là anh chị em nuôi hoặc anh chị em dâu/rể. Bạn phải có giấy tờ chứng minh điều này. Ngoài ra, những người này đều phải trên 18 tuổi.
Bao nhiêu điểm mới được?
Tổng số điểm như trên làm gì tới vài trăm điểm? Số điểm ở trên thường được chuyển đổi sang thang điểm mới. Bạn có thể dùng công cụ online của chính phủ Canada để tính điểm của mình ở đây.
Điểm của tui
Đừng tưởng Express Entry dễ vào nhé. Điểm tối thiểu để được vào mà tui từng thấy là 440 (Điểm những lần trước). Lúc tui nộp, tui cũng chỉ có 440, tức là điểm tối thiểu. Sau đây là những gì tui có lúc 2016:
- Bằng 4 năm đại học ở UC Berkeley
- 3 năm kinh nghiệm lập trình ở Google
- Điểm IELTS 8.5
- 25 tuổi
- Không có offer làm việc ở Canada
Tui nộp vào khoảng 3 tháng sau thì được mời nộp đơn, và sau khi nộp đơn online được 1 tháng, tui được gọi gửi passport qua Canada đóng visa. Mọi thứ đều online và không hề có một buổi phỏng vấn nào cả!
2 Comments
TRẦN THỊ QUẾ ANH
September 28, 2018 at 1:45 pmBạn ơi, xin cho hỏi điều này. Trong bài, Bạn viết rằng đã có thẻ xanh của Mỹ, nhưng Bạn vẫn lấy quốc tịch (thường trú nhân) của cả Canada và Úc nữa, vậy bạn có thể có 3 nơi hả (và có giữ quốc tịch Việt Nam tổng cộng là 4 hay không). Nhân tiện, mình xin phép chia sẻ lại bài này, cảm ơn Bạn nhé!
alexdo
October 3, 2018 at 10:35 amTuỳ theo luật của mỗi nước, điều kiện cho thường trú nhân sẽ khác nhau. Ví dụ như Mỹ không rõ ràng về thời gian phải ở nước Mỹ bao lâu mỗi năm. Còn Canada miễn sao bạn ở tổng cộng thời gian 2 năm trong vòng 5 năm, còn Úc thì bạn phải ở tổng cộng 6 tháng mỗi năm. Mình biết có một số người có cả 3 PRs. Tuy nhiên mình không khuyến khích lấy cả 3 vì bạn phải đi đi về về rất nhiều và công việc phải cho phép bạn đi nhiều như vậy. Bạn có thể chia sẻ bài viết nếu bạn thấy có ích 🙂