Google, một cái tên thân thuộc với mọi tầng lớp, từ em bé nhỏ xíu bi bô gọi “Ok Google” để hỏi Google Assistance với những câu hỏi ngây thơ, cho đến những cụ già cặm cụi gõ “google.com” để tìm kiếm nơi nghỉ hưu. Google không còn là tên của gã khổng lồ tìm kiếm, mà còn là động từ phổ biến dùng để chỉ “tìm kiếm trên mạng”, và chỉ cần nói “Google”, bất kì ai ở bất kì vùng đất nào, văn hóa nào cũng hiểu ý nghĩa của nó. Bởi vậy, khi tui nói tui là nhân viên Google, hay mặc áo Google đi mua sắm, mọi người trầm trồ hỏi “Mày làm cho Google hả? Văn hóa làm việc ở Google ra sao?” Hôm nay tui sẽ trả lời câu hỏi phổ biến này để mọi người hiểu tại sao Google là nơi làm việc tốt nhất thế giới mười mấy năm liền.
Văn hóa tôn trọng lẫn nhau
Một điều tui thích nhất ở Google là văn hóa luôn tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tôn giáo, giới tính, già trẻ hay bằng cấp. Khác với những công ty ở Việt Nam khi sếp hét ra lửa, người lớn tuổi hơn ăn hiếp đứa nhỏ hơn, nhân viên cấp dưới làm việc như người ở, Google không hề có chuyện đó. 5 năm làm ở Google, tui chưa bao giờ bị chửi bới, chưa bao giờ nghe giám đốc khinh miệt, hay gào thét khi tui làm sai. Dù là intern (thực tập sinh), tui cũng không bị sai vặt đi đón con cho sếp hay bưng cafe như ở Việt Nam.

Chưa hết, Google không phân biệt bằng cấp hay tuổi tác. Nếu bạn giỏi thực sự, bạn sẽ được phong chức, thưởng xứng đáng. Như tui là đứa nhỏ nhất team, với nhiều người lớn tuổi bằng ba mẹ tui, những đồng nghiệp có bằng Tiến Sĩ trong nhiều ngành khác nhau, nhưng lúc họp, ai cũng lắng nghe tui nói và tranh luận ngang hàng, chứ không kiểu trịch thượng như ở Việt Nam như “Tao lớn bằng cha mày, tao sống lâu hơn nên tao biết nhiều hơn. Mày im miệng lại” như tui từng nghe rất nhiều ở Việt Nam. Bởi vậy, dù tui có nhỏ nhất team, nhưng sau thời gian chứng minh được khả năng, tui được đưa lên làm Tech Lead (lãnh đạo công nghệ của team), quản lý những người có vài chục năm kinh nghiệm.
Ngoài ra, ở Google tui không bị phân biệt giới tính như ở những nơi khác. Tui từng học chuyên Toán Tin, những lớp đa số là nam từ nhỏ đến lớn, nên tính tui khá nam tính, và đa số tui nhân được tôn trọng từ bạn học vì họ biết khả năng tui. Nhưng những người khác thường nhìn có kiểu “đàn bà không biết gì” khi nói tranh luận. Nhiều người ở ngoài Google thậm chí lơ tui khi tui đi tìm kiếm nhân tài vì họ nghĩ tui không phải Engineer (kĩ sư). Ở Google, tui họp với cả chục người, chỉ có mình tui là phụ nữ, hoặc tui đi nói chuyện trước cả trăm người, đa số là nam giới, nhưng tui luôn được lắng nghe và được tôn trọng như những nam đồng nghiệp khác.
Đánh giá và Phong chức
Đi làm ai mà chẳng muốn lên lương, thăng quan tiến chức. Nhưng khác với những công ty khác, khi nhân viên phải “bợ đít nịnh ghèn” sếp, hoặc đêm đêm đi nhậu với sếp quắc cần câu, ở Google bạn chỉ phải chứng minh khả năng của mình qua thành quả thực tế. Tới mùa hai lần một năm, những người làm chung với bạn sẽ phải viết đánh giá xem bạn làm được gì , có cư xử đúng mực không, và có hội đồng đánh giá bạn dựa vào đánh giá của đồng nghiệp và sếp của bạn.
Sau khi được đánh giá cao, bạn sẽ phải nộp đơn xin lên chức. Thường sếp bạn có thể nói tốt cho bạn, nhưng họ không quyết định bạn có lên chức hay không mà sẽ có hội đồng không biết bạn là ai quyết định số phận của bạn. Điều này giúp tiêu chuẩn của Google như nhau ở những team khác khau, loại trừ bất công và thiên vị. Nếu ai không có khả năng sẽ sớm bị đào thải qua những vòng đánh giá.
Minh bạch và Cởi mở
Khác với nhiều tập đoàn lớn với cấu trúc phức tạp và nhân viên thường mù mịt không biết gì về quyết định của cấp trên, hay như Apple không biết thằng đồng nghiệp kế bên làm gì hết theo như vài đứa bạn làm ở Apple cho biết, Google có văn hóa hoàn toàn cởi mở. Bất kì team nào cũng có thể xem code của team khác, xem kế hoạch và quyết định của cấp trên. Đôi lúc lãnh đạo công ty phải trả lời câu hỏi của nhân viên mới vào hay ngay cả thực tập sinh!
Làm việc ở Google bạn sẽ gặp những thiên tài xuất chúng, những cha đẻ của Internet như Vint Cerf hay đi vòng vòng ở chỗ tui làm, hay cha đẻ của Neural Network (hệ thống nơ-ron trong Machine Learning) nổi tiếng. Những thiên tài này lãnh đạo những team xuất chúng, nhưng rất dễ gần và bạn có thể chào hỏi, nói chuyện như ngang hàng chứ không có chuyện có người phục tùng, bảo vệ lon ton theo hay có thang máy đi riêng như trong chính phủ.
Như một đứa lèo tèo như tui từng đứng lên nói chuyện với một nhóm Đa Dạng (Diversity), đang hào hứng nói thì bất chợt thấy màn hình bên kia mở ra, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của công ty như Sergey Brin, Sundar Pichai đang ngồi nghe tui nói! Vài tiếng sau, họ liên lạc với tui kêu tui viết một bài viết về những gì tui đề cập để chia sẻ cho công ty nhưng tui từ chối vì sợ gặp nhiều chú ý.
Đa dạng
Thành công của Google còn nhờ những tài năng từ những đất nước, văn hóa khác nhau. Những người đồng tính, dị tính hay tật nguyền không hề bị phân biệt mà còn được bảo vệ và khuyến khích tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Ngoài ra, bạn sẽ làm việc với những người từ khắp nơi trên thế giới với đủ màu da. Ở team tui, 80% là từ những nước không phải Mỹ, như Lebanon, Iran, Đài Loan, Ukraine, Việt Nam, Brazil, Đức, Thổ Nhĩ Kì, Ấn Độ…
Dù đến từ bất kì quốc gia nào, ngay cả những quốc gia đang oánh nhau, bạn vẫn thấy tình bằng hữu giữa những đồng nghiệp với nhau. Nếu như một người kì thị hoặc nói những câu gây tổn thương, thì HR (quản lý nhân sự) sẽ mời người đó lên uống trà ngay lập tức!
Miễn phí
Google trở thành điểm đến của nhiều nhân tài khắp nơi trên thế giới một phần cũng vì nhiều lợi ích công ty cung cấp cho nhân viên. Một trong những lợi ích đó là ăn miễn phí! Với cả chục nhà hàng trong công ty, cung cấp ẩm thực đa dạng từ nhiều văn hóa khác nhau và hoàn toàn miễn phí, Google giúp nhân viên thoải mái ăn đồ ăn bổ dưỡng ngay tại chỗ làm mà không phải đi ra ngoài ăn. Miễn phí không có nghĩa là dở đâu nha. Google tuyển đầu bếp giống như thi đầu bếp trên tivi, nên đồ ăn ở đây ngon như những nhà hàng năm sao, và được chế biến thay đổi liên tục, ít khi thấy trùng lặp!


Mặt trái của đồ ăn miễn phí là ăn nhiều sẽ mập. Nhưng bạn đừng lo béo phì, nhân viên Google còn được tập gym (thể hình, thể dục) với dàn huấn luyện viên chuyên nghiệp từng huấn luyện Olympic. Những huấn luyện viên này tổ chức những lớp Rally, Pilates, võ, yoga cho nhân viên với thời khóa biểu đa dạng. Phòng tập có đầy đủ tạ, dụng cụ thể hình, yoga, và ngay cả hồ bơi! Sau khi tập ở Google 5 năm trời, tui khá khỏe, có thể nâng được trăm kí và nhiều đồng nghiệp nam khi thấy tui nâng tạ thường giựt mình 🙂

Những nhu cầu khác của nhân viên cũng được đáp ứng ngay trong khuôn viên Google như giặt ủi, phòng tắm, ngân hàng, bệnh viện và ngay cả hớt tóc! Những dịch vụ miễn phí này làm cho nhân viên khỏi phải xin nghỉ việc hay dành nhiều thời gian ra ngoài. Có người từng sống luôn trong Google cho đến khi báo chí đăng rần rần và thành phố không cho ở nữa vì vi phạm luật!

Tóm lại
Những điều tốt đẹp mà môi trường làm việc ở Google mang lại là điều giữ chân nhiều nhân viên ở đây và là nam châm thu hút nhân tài trên toàn thế giới. Sau khi nghe nhiều đồng nghiệp đến từ các tập đoàn khác như Facebook, Apple, Amazon, Microsoft chia sẻ về môi trường làm việc của họ trước đây, với hệ thống phức tạp, phân biệt, thiên vị và ép buộc nhân viên làm liên tục, tui nhận thấy chỉ có Google là nơi làm việc tốt nhất. Bởi vậy, dù nhiều lần được recruiter (người tìm kiếm nhân sự) từ Facebook, Apple hay Amazon liên lạc hàng tháng kêu gọi qua những tập đoàn đó, hay những công ty fintech (công nghệ tài chính) đề nghị mức lương nửa triệu/năm, tui vẫn trung thành với Google sau nhiều năm tháng 🙂
No Comments