Lựa chọn nghề nghiệp là bài toán hóc búa cho không ít sinh viên, đặc biệt là du học sinh khi học phí là món đầu tư khổng lồ từ tài chính gia đình. Nếu tính toán sai lầm, chọn ngành không yêu thích hoặc không có việc làm phải tay trắng về nước, bạn và gia đình có thể mất trắng khoản đầu tư lớn. Do đó, định hướng nghề nghiệp phù hợp sẽ ảnh hưởng tới tương lai lâu dài. Bài viết sau đây là kinh nghiệm, và quan sát của tui sau 10 năm ở Mỹ để mọi người hiểu rõ những chuyển biến xã hội và kinh tế để định hướng ngành nghề tương lai.
Ngành nghề ở Mỹ
Là học sinh chuyên Tin từ lớp 9, tui biết mình muốn làm trong lĩnh vực CNTT từ lâu. Sau khi vào chương trình Cử Nhân Tiên Tiến của trường Đại học Tự Nhiên, tui bỏ sang Mỹ làm lại từ đầu. Nhiều người Việt Nam ở Mỹ xúi tui học làm bác sĩ, nha sĩ vì nhiều tiền và tương lai ổn định. Một vài người còn nói học y tá (Registered Nurse) rùi lên học Bác Sĩ vì ở Mỹ không có trường Y 4 năm mà chỉ có học xong cử nhân, thi MCAT rồi mới nộp lên trường Y (medical school). Tuy nhiên, học Nursing hoàn toàn không chuyển lên học Medical School hay Dental School được, nên cầm bằng đó ra chỉ có đi làm y tá thôi.
Y tá

Đương nhiên là học Y tá không phải dễ. Lương cơ bản của một cử nhân ngành Nursing (registered nurse) khá cao, khoảng 70k-90K/năm, và đang được ưa chuộng. Nhiều bệnh viện và trường học rất thiếu y tá nhưng cung không đủ cầu. Một điều cần lưu ý là số lượng sinh viên học Nursing cao không kém nhưng chương trình thường rất giới hạn. Đa số các trường Nursing đều có yêu cầu rất cao và xếp hàng vào những chương trình này có khi vài năm mới vào được, dù học cao đẳng như Golden West College ở Nam Cali. Thường những chương trình này ưu tiên dân Mỹ trước, nên nếu bạn là du học sinh, bạn có thể ngồi đợi dài cổ mà chưa tới lượt mình, như nhỏ bạn thân người Philippine của tui phải về nước vì không thể đợi nổi tới lượt mình.
Làm y tá cũng không phải là dễ vì bạn phải là người có tấm lòng, chịu khó nhẫn nhịn chứ không phải cộc lốc như tui mà làm được. Tui quen một vài người làm Y tá và họ kể đôi khi bị bệnh nhân quát tháo, phân biệt chủng tộc chửi bới, đấm vào mặt vẫn phải nhịn. Do vậy, tiền thì khá cao nhưng phải chịu đựng như vậy, tính tui không hề phù hợp với ngành này.
Nha Sĩ/Bác Sĩ/Dược Sĩ

Vì có cậu là Bác sĩ và dì là Nha Sĩ, tui được gia đình khuyên bảo nên học lên Nha Sĩ hay ít nhất Dược Sĩ để tiếp nối truyền thống gia đình! Tui chuyển qua học năm đầu ngành BioChemistry (Sinh Hóa học) để lấy những môn yêu cầu của trường Y/Nha/Dược ở Mỹ. Bạn có thể học lấy bằng cử nhân Biology (Sinh học) hoặc Chemistry (Hóa học) không cũng được hay những ngành khác nhưng phải học hết tất cả các chứng chỉ yêu cầu (Toán, Sinh, Hóa) cử nhân mới được chấp nhân bởi những trường Medical school. Bởi vậy đừng nghe vài người Việt Nam qua Mỹ khoe học trường Y như ca sĩ Tóc Tiên học cao đẳng cộng đồng Pasadena mà tin vì không có chuyện học thẳng trường Y như ở Việt Nam!
Học được một năm Hóa và Sinh học, sau khi lấy lớp Zoology (Động vật học), một ngày vừa ôm chén cơm, nhìn xác con heo mổ tày quày, ngồi học mấy từ chuyên môn tiếng Latin để ngày hôm sau thi cuối kì, tui nhận ra mình đang bị tra tấn. Tui vẫn điểm cao nhất lớp đó, nhưng tui học không hề thấy vui vẻ gì cả, mà chỉ cảm thấy buồn chán, ngồi học như con vẹt. Ra trường tui cũng sẽ chỉ nhìn miệng người ta hàng ngày nếu như tui làm Nha Sĩ, hay đi loanh quanh bốc thuốc 8 tiếng một ngày mà không được ngồi nghỉ nếu như tui thành Dược Sĩ. Tui phải bị tra tấn 4 năm cử nhân, thêm 4-5 năm học Medical/Dental/Pharmacy school, đi nội trú 1-2 năm rồi mới ra làm. Như vậy gần 30 tuổi tui mới thoát nạn sao???
Bản thân tui biết mình ham tiền, tính tình khô khan cộc lốc, không quan tâm đến ai nghĩ gì, làm sao tui làm Bác Sĩ hay Nha Sĩ được? Nếu tui tham tiền thì một ngày nào đó tui sẽ kiếm tiền trên xương máu bệnh nhân, như vậy là vô đạo đức. Làm vậy thì lương tâm cắn rứt, mà một ngày nào đó lương tháng cũng cắt đứt, mà có thể còn bóc lịch nữa. Tui không làm được những ngành này!
Đó là cảm nhận của tui, còn những đứa bạn tui biết thì đương nhiên là có kinh nghiệm khác nhau. 90% dân Việt Nam tui biết ở đây đều có tham vọng làm Bác Sĩ, Nha Sĩ hay Dược Sĩ. Trong cả chục đứa, thì tui biết được 1 người đang học Bác Sĩ, 1 người xong Dược Sĩ, còn một người vừa xong Nha Sĩ sau mười mấy năm học đến gần 40 tuổi với hàng trăm ngàn đô tiền nợ! Ở chung phòng với những người học Sinh học ở trường UC Berkeley, tui thấy chỉ toàn lẩm nhẩm học thuộc lòng như con vẹt, lúc nộp trường Y thì đa số rớt, cầm bằng Sinh hay Hóa Học mà không kiếm được việc làm, phải đi giữ em bé, duỗi móng tay hoặc làm những việc không liên quan. Như vậy thì bỏ cả trăm ngàn đô học lấy bằng Cử Nhân, nhưng khả năng vào trường Y/Nha/Dược quá thấp! Đem tiền đi đầu tư chứng khoáng Mỹ nhiều lúc còn lời hơn!


Còn người vào được trường Y hay Nha thì không ít người bỏ cuộc vì chương trình như tra tấn. Đến lúc lết ra được thì nợ từ $200k-400K vì những trường này cực kì mắc tiền. Như vậy tính ra sau hơn 10 năm học, bạn sẽ bị -$200K đến -$400K, nếu bị nợ 6%/năm, đến chừng nào mới trả nổi? Không lẽ phải nhổ răng bệnh nhân mỏi cả tay, hay là kiếm tiền trên bảo hiểm bệnh nhân? Như vậy đây là khoảng đầu tư quá lớn để thành Nha Sĩ hay Bác Sĩ ở Mỹ với tỉ lệ thất bại quá cao!
Kĩ Sư

Là dân châu Á, đương nhiên là bạn chỉ được chỉ thị học Bác Sĩ hay Kĩ Sư. Nếu không học Bác Sĩ thì ít nhất Kĩ Sư cũng có tiền và ổn định (!?). Năm 2009 tui qua, Kĩ Sư thất nghiệp đầy đường, nhà đất sụp đổ, nên không ai xây nhà. Không ít kĩ sư xây dựng (Civil Engineer) thất nghiệp. Nhiều kĩ sư phần mềm như Microsoft, Apple, IBM cũng bị đào thải khi kinh tế sụm bà chè. Ngoài ra, nhiều công ty như IBM hay Disney không còn mướn dân bản xứ do quá đắt đỏ, đi mướn dân H1B hoặc outsource qua Ấn Độ hay Singapore cho rẻ.
Giữa thời điểm kinh tế sụm, không một công ty tới UC Berkeley tuyển việc dù ở ngay giữa Silicon Valley, tui quyết định chuyển sang học Computer Science dù mẹ phản đối. Có một câu mà ông cậu thành công của tui khuyên mà tui luôn nhớ “Con nên học ngành mà con sẽ đứng nhất, không phải vì con thích nhất, mà vì con sẽ thành công nhất”. Tui biết khả năng lập trình của tui trong top (tui từng đứng đầu lớp chuyên Tin và giành giải thi lập trình ở Việt Nam và giải ở Berkeley). Học Computer Science đối với tui không quá khó, và không khó để nổi bật trong đám sinh viên ở trường top.
Theo tính toán của tui, năm tui ra trường là 22 tuổi, lương kĩ sư mới ra trường ở Silicon Valley từ $80K-120K/năm với lương tăng trung bình 4% chưa kể stock và bonus. Một kĩ sư Google hay Facebook lương trung bình cỡ $200K-300K sau 5 năm đi làm, như vậy sau 10 năm đi làm, tui sẽ có ít nhất 1 triệu đô. Như vậy so với Bác Sĩ hay Nha Sĩ, ở tuổi 30, tui có hơn $1,2-1,4 triệu. Lúc này tui có thể đi đầu tư hoặc làm chuyện khác với số tiền như vậy. Đó là về trung bình, nếu như bạn hên trở thành chủ công ty tech thì vài triệu chắc là muỗi thôi 🙂
Kế toán/Tài chính

Ngoài những ngành nghề kể trên, dân Việt Nam hay chuộng ngành Finance, Economics hoặc Accounting vì dễ hơn và có mùi tiền. Tui cũng khá thích những ngành này nhưng tui chỉ học cho vui là chính chứ không nghĩ sẽ là ngành kiếm tiền, đơn giản là những ngành này sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi máy móc thôi. Nếu như trước đây là brokers như trong phim The Wolf of Wallstreet (Con sói ở Trung Tâm Tài Chính Wallstreet) có tiền, thì những người này ra đường do khả năng của máy tính có thể trade nhanh mà hiệu quả hơn rất nhiều.
Kế toán (Accountant) cũng dễ dàng bị thay thế bởi phần mềm ngày càng tiến bộ. Nếu như 20-30 năm trước, ngành kế toán khá có tiền, thì hiện nay một công ty nhỏ có thể tự mua phần mềm với giá rẻ mạt và chỉ cần một công ty kế toán với số lượng người ít để giúp tất toán. Nhiều ngân hàng hiện tại cũng sa thải hàng loạt nhân viên kiểm toán như Duetsche Bank sa thải hơn 400 nhân viên năm 2018. Khi kinh tế sụm, những nhân viên ngân hàng bị sa thải theo con số hàng chục ngàn một công ty là không ít như những năm 2010-2012.
Luật sư

Bản thân là người thích lý sự, tui cũng muốn làm luật sư. Ở Mỹ, luật sư cũng giống như học Y và Dược, tức là trường Luật đòi hỏi phải có bằng 4 năm mới vào được, và số tiền học phí phải chi trả rất cao. Với mức lương trung bình $115K/năm, bạn phải trả nợ tiền học và bắt đầu từ những năm gần 30 tuổi. Ngoài ra, bạn phải đi phụ tá, đôi lúc không công để vào những law firms trong khi những sinh viên ngành Computer Science đi học việc có thể kiếm được ít nhất $4K/tháng. Đương nhiên là với những vụ án lớn, bạn có thể được triệu đô, nhưng đó là những công ty luật lớn với nhiều năm kinh nghiệm. Một luật sư mới ra trường đôi khi không có việc để làm.

Do đó, trừ khi bạn rất tự tin vào khả năng biện luận bằng tiếng Anh, và từ những trường luật hàng đầu như Havard, bạn nên suy nghĩ cho kĩ trước khi bước vào trường Luật ở Mỹ. Chưa hết, nếu như bạn chỉ học luật ở Mỹ, có thể bạn sẽ không đem bằng cấp qua những nước khác được vì luật lệ sẽ khác nhau ở các nước khác nhau.
Tóm lại
Ngành nào cũng có mặt phải và mặt trái. Tùy theo tính cách của mình, bạn nên chọn ngành mình thích hơn là vì gia đình ép buộc. Trước khi bắt đầu, bạn nên nghiên cứu cho kĩ ngành nghề và yêu cầu của những ngành đó, và rủi ro bạn sẽ gặp nếu chọn những ngành đó. Ở Mỹ không có gì là nghề nghiệp ổn định cả. Bạn có thể là bác sĩ có phòng mạch riêng nhưng bị bệnh nhân kiện mất bằng làm việc như một bác sĩ mà tui quen từng kiếm triệu đô một năm, nhưng không còn bằng để làm dù ở tuổi 40. Bạn có thể là kĩ sư công trình kiếm vài trăm ngàn 1 năm, nhưng công trình bị sập lúc thi công gây chết người dẫn đến vào tù bóc lịch. Như bao nhiêu khoảng đầu tư khác, tiền có thể cao, nhưng rủi ro cũng cao, quan trọng là bạn có chịu đựng được rủi ro đó không. Suy nghĩ cho kĩ nha.
1 Comment
Thanh
April 2, 2019 at 5:36 amBài viết rất bổ ích, thanks chị, e cũng đang sống ở OC và theo học ở OCC.