Mặc dù Mỹ là nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng Mỹ là một trong thiểu số những nước tiên tiến không có bảo hiểm y tế toàn dân. Điều này gây được đem ra bàn luận và mổ xẻ bao nhiêu năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì sao vậy?
Tiền Trả trước
Mỗi bảo hiểm thường quy định số tiền bạn phải ứng trước cho bệnh viện trước khi bảo hiểm bắt đầu trả gọi là deductible. Tùy theo bảo hiểm bạn rẻ hay mắc, tiền deductible sẽ cao hay thấp. Ví dụ như tui trẻ khỏe, nên mua bảo hiểm giá thấp hơn, nhưng bù lại tiền deductible khoảng $2000. Tức là nếu tui vào bệnh viện khám khoảng $3000, thì bảo hiểm sẽ trả $1000, còn $2000 tui phải cắn răng trả!
Bảo hiểm cho nhân viên
Nước Mỹ trước đây không có bảo hiểm của nhà nước cho tất cả mọi người, và đa phần bạn phải tự trả tiền túi hoặc hãng thuê bạn phải mua hoặc trả một phần tiền bảo hiểm hàng tháng cho bạn. Không hề có vụ nhà nước phát thẻ bảo hiểm y tế giống như hồi tui học ở cấp 2 ở Việt Nam đâu 🙁
Chắc bạn nghĩ như vậy thì đâu có gì đâu mà phải lo nghĩ, có việc thì có bảo hiểm thôi! Chuyện quan trọng là ở Mỹ bị cho nghỉ việc không phải là chuyện không tưởng, mà nhiều lúc còn là chuyện bình thường như ở huyện…
Ví dụ như hiện nay tui được Google mua bảo hiểm cho mỗi tháng, nên tui không phải đóng đồng nào, trừ gia đình tui phải tự đóng thêm khoảng $50/người vì tui xài bảo hiểm dạng HSA, tui sẽ bàn luận chuyện này ở bài khác. Nếu như Google một ngày không vui nào đó cho tui ra đi, thì coi như tui mất luôn bảo hiểm, và tui phải tự kiếm việc khác trả bảo hiểm cho, hoặc tự móc tiền túi ra trả (khoảng $200-$1000/tháng, tùy theo sức khỏe, tuổi tác và bệnh tình)
Bảo hiểm của nhà nước
Nếu như bạn không được khá giả, bị tàn tật, bạn có thể xin trợ cấp nhà nước gọi là Medicaid. Tuy nhiên, không phải bang nào bạn cũng được Medicaid, và thường những bang xanh (đa phần Dân chủ) trợ cấp Medicaid nhiều hơn so với những bang khác.
Điều đáng nói ở đây là không phải bác sĩ hay bệnh viện nào cũng nhận Medicaid, và bạn không có nhiều lựa chọn lúc bệnh tật (Vox). Khác với Medicare, loại bảo hiểm dành cho những cụ trên 65 tuổi, Medicaid do chính quyền mỗi bang quản lý và mỗi bang có điều kiện khác nhau.
Ví dụ như ở California, một người làm $10,000/năm sẽ được Medicaid, nhưng ở Texas (bang đỏ hoặc Cộng hòa), người đó sẽ không thỏa mãn điều kiện được Medicaid. Một số bang, bạn sẽ không được dùng tiền bảo hiểm cho kính mắt, trợ thính, hoặc giường bệnh.
Lúc Bệnh
Phải công nhận là dịch vụ khám bệnh ở Mỹ rất chu đáo và tận tình. Khi bệnh họ sẽ cho bạn ngồi đợi vài tiếng điền đơn giống ở Việt Nam vậy đó, dù tay bạn bị cưa cắt chảy máu ròng ròng như ông anh họ tui. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa vào phòng riêng, ngồi đợi bác sĩ đi lòng vòng thêm vài chục phút đến một tiếng tùy theo bạn bị nặng hay nhẹ, như trường hợp tui bị đau nửa đầu như búa bổ, ngồi đợi bác sĩ gần 4 tiếng, chích một nhát 5 phút rùi cho về!
Đó là bệnh bạn còn lết tới bác sĩ được, còn lỡ đau tim, hay chấn thương nặng không đi nổi, bạn đương nhiên có thể gọi xe cấp cứu, họ sẽ cấp tốc chạy tới hô hấp nhân tạo, ráng sơ cứu rồi cho bạn cơ hội lên xe cứu thương hay không. Nếu lúc này bạn còn tỉnh, thì nên tỉnh táo không lên xe vì bạn sẽ bị đưa hóa đơn gần $3000 một lần lên xe! Một số bảo hiểm sẽ trả, nhưng nếu bạn bình thường keo kiệt không chịu mua bảo hiểm mắc tiền, thì ráng cắn răng trả một phần tiền xe cứu thương hoặc ráng quắc Uber tới bệnh viện giống như con em tui bị gãy chân phải đi Uber tới vá vài mũi.
Bệnh hiểm nghèo
Vậy còn lúc bị bệnh hiểm nghèo, chắc bảo hiểm cũng trả cho tui hả? À, cũng còn tùy theo bảo hiểm của bạn cover đến đâu.
Nếu như bạn xui xẻo sinh ra có bệnh di truyền hiểm nghèo, bạn có thể phải nhập viện thường xuyên và bảo hiểm có quyền từ chối trả tiền bệnh viện. Ngoài ra, một số người còn bị lifetime maximum (tiền cao nhất bảo hiểm chịu trả) khoảng $1 triệu. Số tiền này coi nhiều, nhưng thử nghĩ mỗi ngày nhập viện khoảng vài chục ngàn đô, tiền thuốc thang cũng vài chục ngàn đến cả trăm ngàn, thì một triệu đô dễ dàng hết khoảng vài năm đầu đời thôi!
Đó là nếu xui rủi bệnh từ nhỏ, còn lỡ bạn bị tai nạn hay lúc già bị bệnh nghiêm trọng thì sao? Nên nhớ rằng bảo hiểm có quyền từ chối không bán cho bạn với nhiều lý do khác nhau như tiền sử bệnh, tiền viện phí quá mắc, bệnh viện không nằm trong hệ thống mạng lưới của bảo hiểm…
Một số người tui quen biết đang khỏe re đi nhảy nhót tự dưng lên cơn đau tim, vào bệnh viện nằm vài tuần. Mặc dù có bảo hiểm, người đó vẫn phải mắc nợ bệnh viện vài chục ngàn đô vì bảo hiểm không chịu trả một phần viện phí! Đôi lúc chết còn sướng hơn là sống mắc nợ cả đời không trả được, phải khai phá sản!
Sinh đẻ
Nếu bạn có bảo hiểm trả viện phí sinh sản thì xin chúc mừng, nhưng nếu bạn không có, thì nên chuẩn bị khoảng $20.000 đến $50.000 cho một ngày sinh em bé ở bệnh viện.
Trong khi ở bên kia biên giới là Canada, bác sĩ không hiểu tại sao phải trả tiền cho bệnh viện khi sinh sản, thì ở New York, có em bé có thể gây ra bất ổn tài chính to lớn!
Ở Mỹ, gần như không thể biết được bệnh viện sẽ charge phí sinh sản bao nhiêu, vì mỗi bang giá sẽ biến động rất nhiều. Năm 2013, một bài phân tích của nhóm Childbirth Connection cho thấy giá trung bình cho một ca sinh bình thường là khoảng $32,093 và $51,125 cho mổ đẻ. Bảo hiểm sẽ trả một phần lớn, nhưng đa phần gia đình phải trả vài ngàn đô còn lại.

Tự mua bảo hiểm
Ở xứ Mỹ tự do, không ai mua bảo hiểm cho bạn thì bạn có thể tự móc tiền túi mua cho bạn và gia đình, nếu như bạn khá giả. Một người trung bình bảo hiểm khoảng $300-400/tháng, phụ nữ có thể cao hơn nếu trong tuổi sinh đẻ.
Nếu một gia đình 2 vợ chồng và 2 em bé, thì bạn dễ dàng trả hơn $1000/tháng cho bảo hiểm. Nên nhớ tiền $1000 này là sau thuế, tức là giống như một phần thuế khác bạn phải đóng, nhưng không tính theo giá thuế thu nhập. Nói nôm na là nếu giàu thì phải trả thuế cao hơn nghèo, nhưng nếu bạn móc tiền túi mua bảo hiểm thì giàu nghèo cũng trả gần như nhau. Như vậy người nghèo hơi bị lỗ!
Du lịch/Du Học
Nếu bạn qua Mỹ với dạng du lịch hoặc du học, thì bạn không được quyền mua bảo hiểm Medicaid hay bảo hiểm dân Mỹ được quyền mua, mà phải móc tiền túi mua những loại bảo hiểm quái gở như Atlas Travel, có PPO nhưng đa số bệnh viện không biết tính tiền với nó như thế nào, và công ty này cũng không chịu trả bill bệnh viện, làm tui phải móc tiền túi trả cho bệnh viện, trong khi phải trả tiền hàng tháng cho nó gần $200!
Còn nếu bạn là du học sinh, nhà trường đa số có liên kết với những hãng bảo hiểm có tiếng như Blue Anthem với hệ thống khá giống như dân Mỹ được xài, và giá có thể rẻ hơn dân Mỹ phải trả. Hiện nay giá bảo hiểm đã tăng gấp đôi so với lúc tui mới qua, nên tui không chắc còn rẻ hơn không.
Vì sao phí chăm sóc sức khỏe lại cao vậy?
Câu hỏi này được nhiều người nghiên cứu và mổ xẻ rất nhiều. Đơn giản là hệ thống bảo hiểm sức khỏe quá quan liêu và lằng nhằng gây lãng phí rất lớn. Chưa hết, những hãng bảo hiểm y tế và bệnh viện câu kết với nhau quy định giá phải thanh toán, nên hóa đơn đưa cho bạn có thể trên trời, nhưng bảo hiểm trả giá thấp hơn cho bệnh viện.
Dù cho rất nhiều người đòi thay đổi luật y tế, bao chính trị gia hứa hẹn sẽ có bảo hiểm toàn dân, nhưng chẳng ai làm được vì vận động hành lang từ mấy công ty bảo hiểm rất lớn.
Ngoài bảo hiểm, các bệnh viện và bác sĩ cũng kiếm tiền khủng khiếp từ bệnh nhân, nên họ đâu có muốn giá thấp xuống. Nhiều bác sĩ vô lương tâm ở đây còn dụ dỗ bệnh nhân tới khai gian bảo hiểm, đưa cho vài món quà nhỏ rồi thả đi. Một trường hợp điển hình là 300 bác sĩ, trong đó có người Việt, ở San Diego bị bắt vì gian lận bảo hiểm, khai man cũng như xài dụng cụ không cần thiết để trục lợi.
Những toa này sau đó được Dược Sĩ Hootan Melamed ở Beverly Hills, hay các công ty khác do những người chào bán sản phẩm làm chủ hoặc có quyền lợi tài chánh, bán ra. Các công ty này sau đó gửi hóa đơn đến cho giới bảo hiểm, thường với giá cả được tăng lên rất cao. Cáo trạng nói rằng một thứ kem chống đau có thể có giá vốn là $20 nhưng phía bảo hiểm có thể nhận được hóa đơn tới $3,000. Nói chung, những người này gửi số hóa đơn dược phẩm bị gian lận lên tới $27 triệu cho phía bảo hiểm, và $7 triệu nữa cho các dụng cụ y tế.
Kết luận
Bảo hiểm sức khỏe ở Mỹ rất phức tạp và khá bất công cho người thu nhập kha khá, không đủ điều kiện cho Medicaid hoặc chưa đủ già cho Medicare. Dù giá tiền chữa trị trên trời, nước Mỹ thường được xếp hạng thấp so với những nước khác về sức khỏe bà mẹ và em bé: tỉ lệ trẻ chết non là 6.1 cho mỗi 1000 ca, cao hơn cả Slovankia và Hungary, và gấp 3 lần Nhật và Phần Lan. Giữa các nước tiên tiến, nước Mỹ có tỉ lệ sản phụ chết cao nhất. Điều đó có nghĩa là mình vừa phải trả tiền cao ngất ngưỡng, nhưng vừa chịu khả năng tử vong khá là cao!
Đến bao giờ chính quyền Mỹ mới giải quyết xong vấn đề sức khỏe này đây? Trong lúc mấy ông nghị viện còn tranh cãi, thì chắc vài người đã lên dĩa vì không kham nổi tiền viện phí!
No Comments