Để chuẩn bị du học và di trú ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Canada hoặc Úc, ai cũng phải thi TOEFL (Mỹ) và IELTS (Canada, Anh, Úc, etc.) vì đa số các trường đại học đều đòi hỏi trình độ tiếng Anh loại khá trở lên. Sau đây là bí quyết và hành trình của riêng tui để đạt được điểm cao những kì thi tiếng Anh.

Bảng tham khảo đổi điểm giữa IETLS và TOEFL
“Lịch sử”
Chắc nhiều người nghĩ tui học chuyên Anh hay nhà giàu có, có điều kiện hay tại đi du học ở Mỹ mà điểm tiếng Anh cao. Lầm rùi, tui được điểm cao lúc còn học cấp 3, lúc đó TOEFL iBT mới vừa ra nên ít người được điểm cao hơn 80. Do đó, khi tui vào Cử Nhân Tiên Tiến ở Trường Tự Nhiên, khá nhiều người biết tui vì là đứa duy nhất trên 100 điểm TOEFL iBT và không phải đi học tiếng Anh 😐
Như một số người cũng biết, tui là đứa học ban A Lê Hồng Phong, nên chỉ biết tính toán chứ không phải chuyên Anh nên đến năm lớp 11, tiếng Anh tui chỉ biết có “Hello, how are you?” là hết. Ba mẹ có cho tiền học Let’s Go năm cấp 2 nhưng mà thiệt ra tính tui kì cục là không thích gì thì có nhét cỡ nào tui cũng “ngu lâu dốt bền khó đào tạo”, nên cứ tới giờ đi học thêm tiếng Anh là tui trốn ra nhà sách Nguyễn Văn Cừ kiếm sách lập trình đọc (ba mẹ có đọc xin tha cho con nhỏ dại :P).
Đến năm lớp 11, tui tự dưng muốn đi Mỹ nhưng không biết tính sao. Thấy bạn bè đi học Singapore, tui nghĩ thui thì tui học TOEFL nộp trường SMU của Singapore rùi tính đường đi Mỹ sau. Khi làm thử TOEFL iBT để nộp cho trường vì đòi ít nhất 80 điểm TOEFL iBT, kì thi vừa mới ra trước đó 1 năm, tui mới nhận ra là mình dốt tiếng Anh đến mức nào!
Lớp 12, trong lúc tu luyện kinh sử thi đại học, tui bắt đầu học tiếng Anh! Trước hết, tui bắt đầu viết blog bằng tiếng Anh trên Yahoo 360, được vài ngày sau, có đứa nào đọc gửi email bằng tiếng Anh chê tui viết tiếng Anh dở quá, đừng viết nữa. Tui quê một cục nhưng vì lòng tự ái hơi bị cao, tui quyết tâm cho nó biết mặt!
Quá trình học
Từ vựng

Viết từ ra flash card
Lúc này nhà tui hơi bị thất thế, nên không có nhiều tiền để mua sách. Tui lặn lội ra nhà sách trên đường Pasteur mua cuốn “Delta’s key to the TOEFL® test” mà tiếc đứt ruột. Làm thử bài đầu tiên, tui thấy mình không hiểu gì hết, chứng tỏ từ vựng quá thấp kém. Thế là tui quyết tâm phải học thêm từ mỗi ngày.
Hàng ngày, tui lấy danh sách từ vựng thi SAT vì những từ đó thường khó hơn TOEFL, dò từ điển và in flash cards (một bên từ, một bên định nghĩa và ví dụ) để kiểm tra kiến thức. Một ngày tui làm được khoảng 100 flash cards và ngồi học theo kiểu cuốn chiếu. Tức là tui phải ôn lại tất cả những từ tui đã học qua, nhiều lúc mất gần 2 tiếng để ôn lại. Trong lúc học từ, tui vừa ghi lại từ trên tờ giấy trắng, vừa đọc to từ để quen cách phát âm. Cách nhấn âm thì tui học qua phiên âm trong từ điển.
Sau 1 năm học, tui có khoảng 3000 flash cards để lại cho 2 đứa em học tiếp 🙂
Đọc (Reading)
SAT, TOEFL hay IELTS đều giới hạn thời gian đọc. Thường thì mỗi bài chỉ có 15-20 phút để đọc và trả lời câu hỏi. Nếu đọc chậm quá sẽ không trả lời kịp, còn đọc lướt quá thì không trả lời được câu hỏi.
Để luyện đọc, tui ra nhà sách cũ trên đường Trần Hưng Đạo mua 1 loạt sách văn học tiếng Anh với giá 10 ngàn đến 30 ngàn VNĐ/cuốn rồi đem về luyện như Harry Potter, truyện ngắn của Jack London, tiểu thuyết của Dan Brown, v.v. Sau cả ngày học ở LHP, chạy bài tập, học thêm học bớt đến 12 giờ tối, tui lôi sách tiểu thuyết tiếng Anh ra ngồi đọc khoảng 1-2 tiếng. Chỉ tiêu của tui là phải đọc được 1 chương mỗi ngày!
Viết (Writing)

Tập viết văn hàng ngày trên giấy
Viết thường khá dễ khi đã có vốn từ vựng kha khá. Đa phần những bài văn Mỹ rất đơn giản và thường có công thức: Mở bài + thân bài + kết bài. Bất cứ đoạn văn nào cũng có câu mở đoạn, phân tích, đưa ví dụ và tóm tắt đoạn. Nhưng để viết nhanh và quen tay, mỗi ngày tui đọc thêm những bài văn mẫu trong sách, rồi ngồi tự nghĩ ra đề tài và tập viết 3 bài văn.
Nghe (Listening)
Nghe thì phải nghe nhiều mới quen được, nên tui hay mở nhạc Mỹ và tập nghe thường xuyên. Nhưng khi đi thi thì đa phần người ta nói chuyện về những chủ đề giáo dục, nên phải biết từ vựng cũng như cách phát âm thì mới nghe được. Do đó, phần từ vựng ở trên rất quan trọng.
Khi nghe, tập ghi chú lại những từ khóa mình nghe được. Không nhất thiết phải ghi hết cả câu mà nên hiểu chủ đề người ta đang nói. Khi trả lời câu hỏi, những từ khóa đó sẽ nhắc lại cho mình nhớ. IELTS cũng vậy, trước khi nghe, đọc sơ qua bài để biết người ta sẽ hỏi những gì, và khi nghe tập trung nghe những từ cần phải điền. Đương nhiên nghe khá khó nếu như mình học trong môi trường không có tiếng Anh, nhất là lại tự học ở nhà nhưng khi mình đã phát âm đúng và biết từ vựng, chuyện nghe sẽ dễ dàng hơn.
Nói (Speaking)
Nói thiệt là phần này khó nhai nhất đối với tui. Những phần khác tui max gần hết nhưng Speaking thường là điểm yếu của tui. Do không có ai để trao đổi, cũng như chỉnh lại phát âm cũng như ngữ điệu, tui thường nói chuyện phẳng lỳ! Hàng ngày tui nghĩ ra chủ đề, tập suy nghĩ trong 15 giây rồi trả lời trong 45 giây và ghi âm lại để xem mình nói chuyện như thế nào. Tập nói chậm nhưng chú ý ngữ điệu lên xuống, chứ đừng nói chuyện ngang ngang, đừng ráng nói nhanh mà vấp. Diễn viên hài Russel Peters có hài hước nói về người Việt Nam nói tiếng Anh là hay nói chuyện ngang ngang, không biết nói nhưng nói rất nhanh 🙂
Kết luận
Khi học tiếng Anh, nên chú tâm học SAT vì SAT khó hơn TOEFL rất nhiều, đòi hỏi nhiều từ vựng, đọc và viết hơn TOEFL. Khi tui thi SAT xong, thì TOEFL chỉ là “muỗi” thôi 🙂
Nói chung, tiếng Anh không khó vì nó chỉ là kĩ năng chứ không cần phải giỏi mới điểm cao. Ai cũng có thể học được, chứ không phải chỉ có chuyên Anh. Toán, Lý, Hóa còn có thể khó, chứ ngôn ngữ thì chỉ cần trâu bò thui (tui có nhỏ em học chuyên Anh LHP và biết mấy đứa học chuyên Anh nên ai chuyên Anh đừng có ném đá). Nếu đứa “ngu lâu dốt bền” như tui làm được, thì ai cũng có thể làm được nếu chịu khó 😉 Chúc may mắn!

Bạn có thể làm được!
No Comments