Sau khi bài viết than khổ về đời du học sinh của tui ở California, Duy Trần, học chung lớp chuyên Toán Tin Nguyễn Du và suốt 3 năm Lê Hồng Phong cũng ngứa tay muốn kể khổ. Thế là Duy ta chắp bút… ý quên, chắp bàn phím viết lên bài nì về hành trình của một du học sinh ở bờ Đông. Sau đây là bài viết không chỉnh sửa và hình của bạn Duy Trần theo như nguyện vọng của bạn ấy. Có một chút châm biếm nhưng cũng vì đi Mỹ lâu năm nên nếu không nhận ra xin đừng ném đá.
Bạn tui ở California mới viết bài than thở về đời sống du học sinh ở Mỹ. Bờ Tây nắng ấm, xui lắm mới bị động đất sập nhà chết mà còn than như bộng. Nhân dịp Virginia ở bờ Đông đang bị trận bão lạnh lịch sử, tui cũng muốn chia sẻ cuộc sống bên này dưới góc nhìn khác cho mọi người thấy.
Ngày lên đường
Một ngày tháng 7 năm 2009 tui ra sân bay Tân Sơn Nhất với gia đình và mấy đứa bạn. Giống tiễn quan lên đường, cũng lượt là xiêm áo, cũng nước mắt ngắn dài. Mọi người xúc động đưa tiễn, còn tui thì đầu óc tận đâu. Lâu lâu ngó xuống cái áo thun bỏ vô quần, cái fanny pack thần thánh, với cái passport màu xanh.
Đặt chân xuống Mỹ, tui được gia đình người bác đón. Bác này đi vượt biên sau 75, ở Mỹ đã lâu nhưng vẫn nói rành tiếng Việt. Không như mấy anh chị mới qua Mỹ 1, 2 năm đã nói nửa Anh nửa Việt nhé. Leo lên xe bác tui hồ hởi hỏi: “Từ nhà mình ra trung tâm lâu không vậy bác” ? Bác gái nhìn mình như người mới qua : “Hỏi lạ mày, ở đây làm gì có trung tâm”? Ủa?
Ăn ở
Thường du học sinh ở Mỹ hoặc tự lập 100% như bạn tui, hoặc may mắn như tui có họ hàng ở đây giúp cho một thời gian. Được cái này mất cái kia. Ở chung thì bớt lo cơm áo gạo tiền nhưng đời sống đụng chạm rất nhiều. Văn hoá khác, sinh hoạt khác. Ví dụ con trai nên tiểu đứng hay tiểu ngồi (để toilet nó sạch). Hiếm có ai ở lâu được với gia đình. Rồi ngày tháng cũng qua.
Ở đất nước có bốn mùa, thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều so với Sài Gòn mình. Mùa hè sửa nhà, mùa thu thổi lá cây, mùa đông cào tuyết, mùa còn lại mua thuốc uống để có sức năm sau. Đừng tin vào những selfies sống ảo trên mạng.
Việc làm
Ba má cho tiền học Community college được 1 năm đầu. Sau đó thì tự lo. Ở bờ Đông chắc ít có du học sinh đi làm chui bị bắt nên thấy ai cũng đi làm. CV của tui thì đủ: dạy kèm, thi hộ, rửa chén, chạy bàn, trực điện thoại, tư vấn tuyển sinh, chạy máy in, đi khách (lộn, chào khách ở siêu thị).
Lương bưng phở cũng giống bên Cali, khoảng $2/giờ nhưng được lấy tip. Làm một thời gian tui có thể chỉ mặt đặt tên, khách bước vô là biết cho ít hay nhiều. Người Việt, Nam Mỹ la tinh, hay người Hàn Quốc cần cù chăm chỉ, nên lâu lâu đi ăn uống với gia đình cũng tiết kiệm. Kêu muối, tiêu, chanh (thay vì muối tiêu chanh 1 lần cho lẹ) xong nhìn tui cười hiền lành rồi đi, trung bình khoảng 9-10% tip. Người Mỹ trắng họ cho nhiều hơn, ~15%. Tui tâm niệm đi bưng phở là để học cách không phân biệt chủng tộc. Hình như bài đó mình học chưa xong.
Học hành
Trường University of Maryland là trường làng, cho điểm rất dễ. Nên ngày tui ngủ đủ 6 tiếng, ăn 2 bữa. Tui có nghỉ học khoảng 1 năm để đi làm do hết tiền. Nên mất tổng cộng sáu năm cho cái bằng cử nhân.
Lái xe
Ở Mỹ thiếu xe như thiếu cái chân. Tui đi xe buýt khoảng 3 năm trước khi đủ tiền mua cái xe Honda cũ. Ở những vùng ngoại ô như khu tui ở ít có chuyến xe buýt, thường thường 1 tiếng mới có 1 chiếc. Nắng thì không sao, lạnh thì thê thảm. Được cái xe buýt ở đây không nhồi nhét nhiều như ở Sài Gòn mình, với mấy chú lái xe hầu hết đều dễ thương và ít lái ẩu.
“Không” bị phân biệt
Người nhập cư nào cũng mang trong mình một phần của nền văn hoá ngoại lai. Người bản xứ có người cởi mở để tiếp nhận, có người không. Tui nghĩ mình không trách họ được. Cuộc sống bận rộn và hối hả ở Mỹ cũng làm người ta quên đi nhiều thứ, và dễ dàng cho qua nhiều thứ khác.
Tóm lại
Đi du học là đánh đổi. Đánh đổi đời sống ổn định ít lo toan cho những thứ không thể đoán trước. Đánh đổi nỗi lo ăn phải thuốc trừ sâu bằng nỗi lo không đủ tiền mua bó rau con cá. Đánh đổi đời sống rộn ràng, náo nhiệt của thành phố cho những vùng ngoại ô im ả. (Ai ở New York, Boston, Chicago hay mấy chỗ đông vui thì đi chỗ khác, tui không có quen). Và đánh đổi những lý tưởng to lớn bằng những mục tiêu cụ thể, giống như: “Ông địa ơi, xin cho con ra trường có việc làm”.
No Comments